Giới quan sát cho rằng, Đối thoại Shangri-La (SLD) là cơ hội cuối cùng để Mỹ và Trung Quốc tìm kiếm sự ủng hộ trước khi Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện của Philippines.
Các chuyên gia an ninh nhận định, Mỹ sẽ nỗ lực thuyết phục các nước Đông Nam Á và những quốc gia khác như Ấn Độ, Nhật Bản, công khai ủng hộ một phán quyết có lợi cho Philippines.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu tại Đối thoại Shangri-La năm 2015. Ảnh: AP |
Trong khi đó, Trung Quốc sẽ tìm cách vận động các nước không nên đưa ra quan điểm công khai.
"Ý nghĩa của vụ kiện là những áp lực và sự tổn hại về uy tín lâu dài đối với Trung Quốc. Nhưng điều đó chỉ đạt được nếu bạn xây dựng được liên minh đủ lớn để quan tâm vấn đề này", Greg Poling, giám đốc chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải (thuộc CSIS, Mỹ) nói với Reuters.
Đối thoại Shangri-La diễn ra trong bối cảnh an ninh châu Á - Thái Bình Dương ngày càng phát sinh nhiều căng thẳng liên quốc gia cũng như những thay đổi chiến lược trong khu vực, như Philippines đã bầu ra một tổng thống mới chủ trương cải thiện quan hệ với Trung Quốc, và Mỹ chính thức bỏ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam.
Ngoài tình hình Biển Đông, các quan chức quốc phòng và chuyên gia an ninh cũng thảo luận về căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên và mối đe dọa của phiến quân cực đoan ở Đông Nam Á.
Đối thoại an ninh Shangri-La, diễn đàn an ninh châu Á - Thái Bình Dương, lần 15 sẽ diễn ra tại Singapore từ ngày 3 đến 5/6. Khoảng 20 quốc gia đã cử phái đoàn tham dự sự kiện này, bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ... và Việt Nam. Phái đoàn Mỹ do Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter dẫn đầu, trong khi lãnh đạo đoàn Trung Quốc là Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội, Đô đốc Tôn Kiến Quốc.
Đoàn Việt Nam tham dự SLD do Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Ngô Xuân Lịch làm trưởng đoàn.