Phát hiện một tàu lớn ngoài khơi bờ biển bang Sarawak hồi tháng 3, các thành viên trên tàu tuần tra của Malaysia đã bất ngờ khi nó lao về phía họ với tốc độ cao và gầm rú trước khi quay đi, để lộ dòng chữ "cảnh sát biển Trung Quốc".
Theo một quan chức của Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia (MMEA), tàu cảnh sát biển Trung Quốc từng xuất hiện nhiều lần quanh cụm bãi cạn Luconia, ngoài khơi thị trấn dầu mỏ Miri thuộc bang Sarawak của Malaysia. Nhưng đây là lần đầu tiên đối đầu hung hăng.
"Hành động này giống như đang tấn công tàu của chúng tôi và có thể để đe doạ", Reuters ngày 1/6 dẫn lời một quan chức sau khi cung cấp đoạn video về vụ việc chưa từng được công bố trước đây.
Các tàu cá Trung Quốc. Ảnh minh họa: SCMP |
Vụ việc kể trên và sự xuất hiện của khoảng 100 tàu đánh cá Trung Quốc vào thời điểm đó đã thúc đẩy phản ứng cứng rắn của Malaysia đối với các hành động ngang ngược của Bắc Kinh.
Một quan chức cấp cao cho biết giờ đây, Malaysia cần cứng rắn hơn trước các cuộc xâm nhập trên biển, trong bối cảnh Trung Quốc ngang ngược bành trướng ở Biển Đông.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc bao biện rằng tàu đánh cá nước này hoạt động bình thường ở vùng biển liên quan. Chỉ một vài tuần sau đó, Malaysia công bố kế hoạch thiết lập cơ sở điều hành hải quân gần Bintulu, phía nam Miri.
Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia khẳng định cơ sở này sẽ có máy bay trực thăng, máy bay không người lái và một lực lượng đặc nhiệm. Nó có nhiệm vụ bảo vệ tài sản dầu mỏ và khí đốt của đất nước trước nguy cơ tấn công của nhóm phiến quân Hồi giáo ở miền Nam Philippines.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông mới thực chất là lý do sâu xa.
"Nếu tăng cường an ninh bảo vệ tài sản dầu khí, điều đó có nghĩa là bạn đang bảo vệ chính mình trước các yếu tố nhà nước và phi nhà nước. Vì vậy, những gì ông ấy (Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia) nói có thể hợp lý", Ian Storey, một chuyên gia về Biển Đông tại Viện ISEAS Yusof Ishak của Singapore, cho biết. "Tuy nhiên, liệu điều đó có do IS thúc đẩy hay không? Tôi không nghĩ vậy".
Theo nhận định của các nhà ngoại giao phương Tây, với "quan hệ đặc biệt" với Trung Quốc, phần lớn phụ thuộc trong lĩnh vực đầu tư và thương mại, các phản ứng trước đây của Malaysia với hành động hung hăng của Bắc Kinh không quá mạnh mẽ.
Malaysia từng xem nhẹ hai cuộc tập trận hải quân của Trung Quốc vào năm 2013 và 2014 tại bãi ngầm James, cách Sarawak chưa đầy 50 hải lý. Trong năm 2015, việc ngư dân ở Miri bị nhóm người có vũ trang trên tàu cảnh sát biển Trung Quốc bắt nạt cũng bị làm ngơ.
Mãi cho đến tháng 3, khi hơn 100 tàu cá Trung Quốc bị phát hiện xâm phạm vùng biển gần cụm bãi cạn Luconia trên Biển Đông, Malaysia đã triển khai tàu hải quân và triệu đại sứ giải trình vụ việc.
Cụm bãi cạn Luconia cách bờ biển ngoài khơi thị trấn Miri, bang Sarawak của Malaysia khoảng 84 hải lý. Ảnh: Starfish |
Malaysia vốn được xem là quốc gia có “quan hệ đặc biệt” với Trung Quốc và các quan chức nước này thường tỏ ra thận trọng khi đề cập đến vấn đề Biển Đông. Khi Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein ra tuyên bố mạnh mẽ hồi tháng 3, dư luận đã không khỏi xôn xao.
Ông Hishammuddin Hussein khẳng định nếu các báo cáo của bộ Quốc phòng về hoạt động xây dựng và triển khai thiết bị quân sự của Bắc Kinh tại quần đảo Trường Sa là đúng sự thật, "chúng ta sẽ buộc phải phản kháng lại Trung Quốc".
Ông Hussein còn tiết lộ mong muốn gặp gỡ những người đồng cấp từ Australia, Philippines và Việt Nam để thảo luận về các hành vi quân sự hóa của Trung Quốc trên Biển Đông.
Cụm bãi cạn Luconia hiện do Malaysia quản lý nằm gần điểm cực nam của cái gọi là "đường 9 đoạn" Trung Quốc đơn phương vạch ra nhằm khẳng định chủ quyền phi lý trên Biển Đông. Nó ở cách bờ biển ngoài khơi thị trấn Miri, bang Sarawak của Malaysia khoảng 84 hải lý.