Ngày 2/6, trang USNI News (tờ tin tức của Viện Hải quân Mỹ) cho biết, các quan chức quốc phòng Ấn Độ đang chuẩn bị các bước để xuất khẩu một trong những tên lửa chống hạm nhanh nhất thế giới đến Việt Nam.
Tại cuộc họp báo ngày 3/6 bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manmoha Parrikar không bác bỏ, cũng không phủ nhận thông tin này. “Hiện tại chúng tôi chưa có quyết định chính thức. Điều này còn tuỳ thuộc vào nhu cầu và đề nghị của phía Việt Nam”, Bộ trưởng Parrikar nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manmohar Parrikar tại cuộc họp báo bên lề Đối thoại Shangri-La. Ảnh: Cảnh Toàn |
Sau khi tham dự Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Parrikar sẽ bắt đầu chuyến thăm Việt Nam trong 2 ngày để tăng cường quan hệ quân sự. Việc mua tên lửa BrahMos dự kiến sẽ là một nội dung trong chương trình nghị sự. Tháp tùng Bộ trưởng Parrikar là đại diện những công ty quốc phòng lớn của Ấn Độ.
Phó đô đốc Anup Singh, một đại biểu dự Đối thoại Shangri-La, nói với Zing.vn rằng ông tin tưởng vụ mua bán sẽ "sớm hoàn thành”.
“Thực ra, Việt Nam đã đề xuất mua tên lửa BrahMos từ vài năm trước. Và chúng tôi đang xem xét đề nghị này một cách tích cực. Tôi tin rằng các bên sẽ sớm đạt thoả thuận về thương vụ này nhanh chóng. Việc có sớm được hay không còn tuỳ thuộc vào trao đổi giữa bộ trưởng quốc phòng 2 nước. Tuy nhiên, tôi nhìn thấy những tín hiệu rất tích cực”, ông Singh nói.
Tên lửa BrahMos được phát triển dựa trên tên lửa hành trình chống hạm P-800 Onyx của Nga. Đây là dự án hợp tác kỹ thuật quân sự giữa New Delhi và Moscow trong thập kỷ qua.
BrahMos được giới quân sự đánh giá là một trong những tên lửa chống hạm nguy hiểm nhất thế giới với tốc độ gần như không thể đánh chặn. Ấn Độ đã tìm cách xuất khẩu loại tên lửa có tốc độ Mach 3 trong những năm gần đây, nhưng gặp phải sự phản đối của Nga về quyền sở hữu trí tuệ.
Nhận định về hợp tác quân sự giữa Việt Nam và Ấn Độ, phó đô đốc Singh nói 2 nước có chung những thách thức và cơ hội. “Đó là lý do chúng ta cần hỗ trợ lẫn nhau”, ông nói. “Trong chuyến thăm này, Bộ trưởng Parrikar mang theo dự thảo thoả thuận hợp tác với Việt Nam”.
“Một trong những nội dung hợp tác mà Việt Nam có thể đề nghị Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Ấn Độ là chuyển giao công nghệ, phối hợp sản xuất, hoặc mua tàu chiến mà Ấn Độ sản xuất. Chúng tôi đã chế tạo tàu khu trục, tàu hộ tống, tàu tuần tra… Hai bên cũng đã đạt một số thoả thuận về việc Ấn Độ đóng tàu tuần tra cho Việt Nam. Do vậy, cơ hội hợp tác giữa 2 nước là rất lớn”, ông Singh nói.
Trước đó, vào đầu tháng 6, nguồn tin của báo Economic Times cho biết, Công ty cơ khí và đóng tàu (GRSE, Ấn Độ) đã chốt thiết kế tàu tuần tra cho Việt Nam. Theo dự kiến, tàu dài khoảng 37 m, rộng 10 m, lượng giãn nước 140 tấn, được dùng trong các hoạt động tuần tra gần bờ.
Phó đô đốc Singh cho rằng, thông qua cơ hội hợp tác sản xuất thiết bị quân sự cùng Ấn Độ, Việt Nam có cơ hội học hỏi thêm về công nghệ mới. “Điều này rất có lợi cho Việt Nam, giúp nâng cao năng lực của các bạn trong tương lai”, ông nói với Zing.vn.