Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tầm quan trọng của diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á

Là diễn đàn an ninh, quốc phòng lớn nhất châu Á, Đối thoại Shangri-La sẽ tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng trong khu vực.

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á, hay còn được biết đến với tên gọi Đối thoại Shangri-La (SLD) là diễn đàn an ninh liên chính phủ được Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) và chính phủ Singapore tổ chức hàng năm. Diễn đàn được đặt theo tên khách sạn Shangri-La ở Singapore, nơi sự kiện diễn ra.

Kể từ khi được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2002 đến nay, Đối thoại Shangri-La đã trở thành diễn đàn về an ninh, quốc phòng lớn nhất châu Á, quy tụ sự tham gia của các phái đoàn quân sự cấp cao và bộ trưởng quốc phòng từ 28 quốc gia thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. 

Tại sao Đối thoại Shangri-La quan trọng?

Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á quy tụ đại diện quân sự từ nhiều quốc gia lớn trên thế giới, tập trung thảo luận các vấn đề quốc phòng và an ninh quan trọng, cấp bách.

Theo SCMP, đây cũng là cơ hội để bộ trưởng quốc phòng, lãnh đạo quân sự và quan chức quốc phòng cấp cao các nước tổ chức các cuộc gặp song phương bên lề hội nghị. Sự kiện này còn có sự tham dự của các nhà lập pháp, chuyên gia khoa học, phóng viên và đại diện doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới.

Do đó, Đối thoại Shangri-La được coi là một phương tiện để thúc đẩy phát triển chính sách công và các cuộc thảo luận về quốc phòng - an ninh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

doi thoai Shangri-La anh 1
Bộ trưởng quốc phòng và phái đoàn các nước tham gia Đối thoại Shangri-La năm 2015. Ảnh: AFP

Ai sẽ tham gia?

Năm nay, Đối thoại Shangri-La diễn ra từ ngày 3 đến 5/6 tại Singapore. 21 bộ trưởng và thứ trưởng quốc phòng các nước cùng hàng trăm học giả thế giới tới tham dự sự kiện. 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter; Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc, Đô đốc Tôn Kiến Quốc; Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian; người đồng cấp của Ấn Độ Manohar Parrikar và của New Zealand Gerry Brownlee cũng sẽ tham dự.

Danh sách các nước có đại diện tham gia Đối thoại Shangri-La năm 2016 còn có Australia, Brunei, Canada, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Philippines, Nga, Thái Lan, Myanmar... Trưởng đoàn Việt Nam là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.

Chương trình nghị sự có gì?

Mỹ và Trung Quốc dự kiến tiếp tục chỉ trích nhau về căng thẳng ở Biển Đông tại Đối thoại Shangri-La năm nay. Giới quan sát cho rằng, Đối thoại Shangri-La là cơ hội cuối cùng để Mỹ và Trung Quốc tìm kiếm sự ủng hộ trước khi Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) đưa ra phán quyết cuối cùng về vụ kiện của Philippines.

Đối thoại Shangri-La diễn ra trong bối cảnh an ninh châu Á - Thái Bình Dương ngày càng phát sinh nhiều căng thẳng liên quốc gia cũng như những thay đổi chiến lược trong khu vực, như Philippines đã bầu ra một tổng thống mới chủ trương cải thiện quan hệ với Trung Quốc và Mỹ chính thức bỏ cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam.

Ngoài tình hình Biển Đông, các quan chức quốc phòng và chuyên gia an ninh cũng thảo luận về căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, chống khủng bố, an ninh mạng, tình hình di dân và cạnh tranh quân sự. 

Chương trình ngày 3/6

Trong ngày đầu tiên của hội nghị, Bộ trưởng quốc phòng và quan chức an ninh sẽ tham gia các cuộc đối thoại song phương. 

Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-ocha sẽ có bài phát biểu khai mạc vào buổi tối. 

Chương trình ngày 4/6

Phiên họp toàn thể vào buổi sáng sẽ tập trung vào các chủ đề về "thách thức an ninh khu vực châu Á", "quản lý cạnh tranh quân sự khu vực châu Á" và "chính sách quốc phòng trong thời kỳ bất ổn".

Chiều cùng ngày, các phiên họp sẽ thảo luận về "mối đe dọa từ Triều Tiên", "phát triển năng lực quân sự: công nghệ mới, ngân sách hạn chế và những lựa chọn khó khăn", "thách thức an ninh của tình trạng di cư bất thường".

doi thoai Shangri-La anh 2

Carter tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ hai từ khi trở thành người đứng đầu Lầu Năm Góc vào đầu năm 2015. Ảnh: 

IISS

Các chủ đề khác được xem xét bao gồm "tăng cường hợp tác chống khủng bố Hồi giáo ở châu Á", "xử lý căng thẳng trên Biển Đông" và "xác định lợi ích an ninh chung trong lĩnh vực an ninh mạng".

Ban tổ chức cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter sẽ là quan chức đầu tiên phát biểu ngày 4/6, với trọng tâm là những thách thức phức tạp về tình hình an ninh châu Á. Bài phát biểu của Carter tiếp tục là một trong những nội dung tâm điểm của hội nghị năm nay.

Theo kế hoạch, người đứng đầu bộ quốc phòng Mỹ sẽ gặp những người đồng cấp từ Nhật Bản và Hàn Quốc bên lề sự kiện.

Chương trình ngày 5/6

Trong ngày làm việc cuối cùng, hai phiên họp vào buổi sáng sẽ tập trung vào "những thách thức khi giải quyết xung đột" và "theo đuổi các mục tiêu an ninh chung".

Theo thông tin từ ban tổ chức, tướng Vịnh sẽ có bài phát biểu quan trọng theo chủ đề những thách thức để đạt được giải pháp cho xung đột vào sáng 5/6. Trong cuộc họp báo ngày 2/6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nói "quan điểm rõ ràng và nhất quán của Việt Nam về Biển Đông sẽ được nêu ra" trong bài phát biểu này.

Phó tổng tham mưu trưởng quân đội, Trưởng đoàn Trung Quốc dự Đối thoại Shangri-La, Đô đốc Tôn Kiến Quốc, sẽ phát biểu ngay sau Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.

Tướng Vịnh sẽ nói về Biển Đông ở diễn đàn an ninh châu Á

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, trưởng đoàn Việt Nam dự Hội nghị thượng đỉnh an ninh châu Á hay Đối thoại Shangri-La, sẽ có bài phát biểu nêu rõ quan điểm của Việt Nam về Biển Đông.



Hoàng Anh

Bạn có thể quan tâm