Đối thoại Shangri-La (Shangri-La Dialogue), một diễn đàn uy tín về an ninh châu Á - Thái Bình Dương, sẽ diễn ra tại Singapore cuối tuần này. Đây là năm thứ 16 Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) của Anh tổ chức sự kiện quy tụ những quan chức cấp cao trong lĩnh vực quốc phòng của nhiều nước lớn, bao gồm Mỹ và Trung Quốc.
Theo thông báo của IISS, bộ trưởng quốc phòng các nước Australia, Canada, Pháp, Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Philippines, New Zealand và Mỹ sẽ tham dự hội nghị. Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull sẽ là người phát biểu mở màn vào tối 2/6.
Chính sách châu Á của Mỹ là tâm điểm
Có lẽ nhận định này không gây nhiều ngạc nhiên trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump đến nay vẫn chưa đưa ra chính sách rõ ràng về châu Á dù khẳng định chiến lược "tái cân bằng" dưới thời Obama "đã chấm dứt". Trong khi đó, những tuyên bố của Tổng thống Donald Trump khi tranh cử đã tạo ra bầu không khí đầy hoài nghi tại khu vực.
Đối thoại Shangri-La vốn luôn được Washington xem là diễn đàn để khẳng định cam kết chiến lược với châu Á, thúc đẩy các chính sách nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Mỹ tại khu vực và hạn chế ảnh hưởng Trung Quốc. Năm nay, điều này sẽ không dễ dàng như vậy, dù là với Mỹ hay các đồng minh.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis sẽ phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 16. Ảnh: Getty. |
Mọi sự chú ý đang hướng về bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis trong phiên đầu tiên của hội nghị sáng 3/6. Theo giáo sư Koo Min Gyo, phó trưởng khoa Quan hệ Quốc tế thuộc Trường Cao học về Chính sách công, Đại học Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), tướng Mattis "chịu nhiều áp lực trong việc đề ra thứ gì đó khác chính sách xoay trục".
"Nhiều khả năng Mattis sẽ chỉ nói những vấn đề thuộc về nguyên tắc chung như giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, bảo đảm quyền tự do hàng hải", giáo sư Koo nói với Zing.vn.
Chuyên gia về chính trị Đông Á và các vấn đề biển đảo cũng cho rằng việc Mỹ đưa tàu khu trục USS Dewey đi qua vùng biển gần đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam mới đây không cho thấy nhiều về chiến lược châu Á của Mỹ.
"Những động thái mà Mỹ xem là "hoạt động tự do hàng hải" (FONOP) như vậy là dấu hiệu tối thiểu Mỹ có thể gửi đến các đồng minh của mình trong lúc cố tìm ra một chiến lược mới to lớn hơn để thay thế", giáo sư Koo nhận định. Tuy nhiên, ông bày tỏ sự hoài nghi về khả năng một "chiến lược mới to lớn hơn" sẽ ra đời.
Biển Đông vẫn là tâm điểm
Câu chuyện Biển Đông từng trở thành tâm điểm tại Đối thoại Shangri-La năm ngoái khi Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông. Theo The Diplomat, năm nay Biển Đông sẽ tiếp tục là vấn đề nóng bỏng trong bối cảnh Bắc Kinh vẫn không ngừng bồi lấp đảo nhân tạo bất chấp luật pháp quốc tế.
Sau gần một năm tòa trọng tài ở The Hague (Hà Lan) ra phán quyết về vụ kiện theo hướng có lợi cho Manila, diễn biến thực tế cho thấy Tổng thống Rodrigo Duterte gửi đi những tín hiệu gây mơ hồ về cách tiếp cận của Manila đối với tranh chấp trên Biển Đông.
Tổng thống Philippines Duterte và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chứng kiến lễ ký kết một số thỏa thuận song phương bên lề hội nghị "Vành đai và Con đường" hồi giữa tháng 5/2017. Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên, lập trường của ông Duterte không hẳn là vấn đề. Trên thực tế, những động thái của ông "chỉ đơn thuần giúp làm rõ những thách thức khó nhằn" mà ASEAN và những 'người chơi' bên ngoài như Mỹ đều đã và đang phải đối mặt từ khi ông lên nắm quyền.
Hồi cuối tháng 3, thông qua hình ảnh vệ tinh, các chuyên gia Mỹ nhận định Trung Quốc đã hoàn thành phần lớn việc xây dựng hạ tầng quân sự tại các đảo nhân tạo trên Biển Đông và giờ có thể điều chiến đấu cơ đến đây bất cứ lúc nào.
Ảnh vệ tinh của ngày 9/3 cho thấy các công trình Trung Quốc xây trên đá Chữ Thập gồm hệ thống radar, nhà chứa máy bay, hầm chứa tên lửa di động cũng như hệ thống phòng thủ. Ảnh: CSIS/AMTI. |
Thông tin trên rất có thể sẽ được thảo luận tại Đối thoại Shangri-La lần này, một diễn đàn vốn dành riêng một phiên để nói về việc xây dựng trật tự khu vực dựa trên luật pháp. Ngoài ra, dựa trên những gì diễn ra trong vài tháng qua, vấn đề hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng cũng có thể trở thành chủ đề nóng.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên dường như vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi hôm 29/5 Triều Tiên lại phóng một tên lửa đạn đạo ra biển Nhật Bản sau một loạt vụ thử tên lửa gây quan ngại sâu sắc. Theo giới chức Hàn Quốc, Bình Nhưỡng khẳng định đang phát triển tên lửa trang bị hệ thống dẫn đường chính xác có thể tấn công mục tiêu di chuyển trên biển, đặc biệt là tàu sân bay.
Nguy cơ khủng bố lan rộng ở Đông Nam Á cũng có thể là đề tài được các chuyên gia quan tâm sau vụ việc ở Marawi, Philippines hôm 23/5. Liệu tổ chức Nhà nước Hồi giáo có đang thực sự "đông tiến" và biến Đông Nam Á thành địa bàn thứ hai của mình là những nỗi lo ngày càng trở nên rõ ràng.