Trao đổi với Zing.vn, Giáo sư Alexander Vuving (Trung tâm Nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương, thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ) đánh giá chuyến công du của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Mỹ đã thành công dù thời gian chuẩn bị không nhiều.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong cuộc gặp gỡ lãnh đạo các doanh nghiệp lớn ở Mỹ vào sáng 30/5 tại New York. Ảnh: Thanh Tuấn. |
- Ông đánh giá thế nào về tổng giá trị các hợp đồng được ký kết trong chuyến công du 3 ngày của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc?
- Giáo sư Alexander Vuving: Theo tôi, con số 8 tỷ USD không hẳn là quá lớn nhưng thể hiện thiện chí của Việt Nam là đồng ý với Mỹ rằng cán cân thương mại giữa 2 nước cần cân bằng hơn và Việt Nam muốn san sẻ với phía Mỹ. Việt Nam cũng bày tỏ rằng muốn nhập khẩu nhiều hơn trang thiết bị công nghệ cao, hàng hóa và dịch vụ từ Mỹ.
Dịp này, Việt Nam cũng có nhiều cơ hội làm việc với giới chức Mỹ, bao gồm Đại diện Thương mại Mỹ. Hai bên đã đồng ý rằng giải quyết tình hình trên cơ sở Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư giữa 2 nước đã có sẵn, trên tinh thần cả 2 bên cùng có lợi.
- Theo ông, những biện pháp nào để thực sự cải thiện cán cân thương mại song phương Việt - Mỹ?
- Giáo sư Alexander Vuving: Điều quan trọng nhất là cải cách thể chế và môi trường kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam. Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam 11 tỷ USD nhưng nhập siêu tới 32 tỷ USD. Đó là sự chênh lệch rất lớn. Điều này nằm trong một tổng thể lớn hơn, khi Việt Nam gần như là một nơi trung chuyển hàng hóa.
Việt Nam nhập siêu lớn từ Trung Quốc và Hàn Quốc nhưng lại xuất siêu rất mạnh sang Mỹ và châu Âu. Khi nhìn vào cơ cấu hàng hóa từ Việt Nam, người ta nhìn thấy một tỷ lệ đáng kể những sản phẩm (ví dụ điện thoại thông minh), Việt Nam đơn thuần chỉ là nơi đặt nhà máy để lắp ráp sản phẩm cuối cùng.
Giáo sư Alexander Vuving. |
Phái đoàn Việt Nam lần này đã giải thích như vậy với phía Mỹ. Tuy nhiên, để giải quyết và cân bằng lại thương mại 2 bên cần phải cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư ở Việt Nam để không còn đơn thuần là nơi lắp ráp hoặc nhận các thiết bị, công nghệ thấp từ một số nước rồi xuất khẩu sản phẩm ra Mỹ và châu Âu.
- Về vấn đề Biển Đông, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không và các hình thức sử dụng biển hợp pháp khác. Ông đánh giá gì về thông điệp này?
- Giáo sư Alexander Vuving: Nội dung về Biển Đông trong tuyên bố này thể hiện một số điểm mới trong cách phát biểu. Như trước đây vấn đề Biển Đông chỉ được nhắc đến về tự do hàng hải và hàng không. Tuyên bố chung lần này bổ sung thêm như trên là "các hình thức sử dụng biển hợp pháp khác". Tức các bên đã nhìn nhận rằng vấn đề Biển Đông không chỉ là tự do lưu thông, mà còn là tự do trên biển.
Đây là một khái niệm rất rộng. Từ phía lợi ích Việt Nam, đó là hoạt động của các giàn khoan và tàu cá Việt Nam diễn ra hợp pháp trên biển. Đối với Mỹ là những hoạt động quân sự của Mỹ trên Biển Đông. Đó là những việc sử dụng biển hợp pháp.
Trong tuyên bố chung, Mỹ cũng nhấn mạnh tiếp tục cho tàu và máy bay hoạt động tại bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép.
Nhìn chung, tôi cho rằng ngôn ngữ thể hiện trong tuyên bố chung lần này về vấn đề Biển Đông là mạnh hơn, rộng và toàn diện hơn so với những văn bản trước đây.
- Ông đánh giá thế nào về nội dung về hợp tác hải quân trong tuyên bố chung?
- Giáo sư Alexander Vuving: Tuyên bố chung không nêu cụ thể về mức độ hợp tác, vấn đề này sẽ được 2 bên làm việc cụ thể sau. Tuy nhiên, việc đưa hợp tác hải quân giữa 2 nước vào tuyên bố chung phản ánh rằng các bên đều thừa nhận đây là vấn đề quan trọng, có sự đồng ý và thúc đẩy giữa những lãnh đạo cấp cao nhất. Điều này có tính chất giúp lực lượng hải quân 2 nước hợp tác được dễ dàng hơn trong tương lai.
Việc đề cập “khả năng tàu sân bay Mỹ thăm cảng Việt Nam” chỉ nói lên rằng hai nhà lãnh đạo đã trao đổi việc này chứ không khẳng định việc đồng ý hay không. Nhưng khi đã đưa vấn đề vào tuyên bố chung tức một bên đã bày tỏ ý muốn rất lớn. Trong trường hợp này tôi nghĩ là từ phía Mỹ đặt ra để Việt Nam xem xét.
Khi vấn đề được đưa vào tuyên bố chung trong một cuộc họp thượng đỉnh như vậy thì điều này tạo sự thuận lợi để cấp dưới tiếp tục làm việc với nhau.
- Quan điểm của ông về nội dung hợp tác an ninh, tình báo giữa hai nước được thể hiện trong tuyên bố chung?
- Giáo sư Alexander Vuving: Đây là một điểm mới, có thể nói chưa từng có, trong các tuyên bố chung Việt - Mỹ trước đây. Nội dung này cũng được giải thích cụ thể là việc trao đổi thông tin giữa hai nước về chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và tội phạm mạng. Nội dung này phản ánh bước tiến quan trọng trong việc hợp tác giữa lực lượng bảo vệ pháp luật của Việt Nam và Mỹ.
- Quan hệ Mỹ - ASEAN được nhắc đến khá nhiều trong tuyên bố chung này. Nội dung này phản ánh điều gì?
- Giáo sư Alexander Vuving: Theo tôi điều này tái khẳng định rằng Mỹ coi trọng vai trò của ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình. Tuyên bố cũng nhắc lại những nội dung đạt được trong hội nghị ở Sunnylands hồi năm ngoái dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Về tổng thể, tuyên bố này đã khẳng định lại những điều các bên từng cam kết với nhau trong tuyên bố về đối tác toàn diện hình thành từ chính quyền trước, và sự cam kết của Mỹ với châu Á, ASEAN và Việt Nam. Không có sự thay đổi lớn hoặc đảo chiều trong chính quyền của Tổng thống Donald Trump đối với khu vực, ASEAN và Việt Nam, thậm chí là có những tín hiệu mạnh mẽ hơn về vấn đề Biển Đông, về hợp tác an ninh, quốc phòng.
Tổng thống Donald Trump đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng ngày 31/5. Ảnh: Reuters. |
- Tổng thống Donald Trump được xem là người có chính sách linh hoạt. Dàn quan chức cấp cao trong nhiều cơ quan chính phủ Mỹ cũng đang khuyết đáng kể. Điều này liệu có ảnh hưởng đến sự thay đổi chính sách đột ngột?
- Giáo sư Alexander Vuving: Chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giải tỏa được những lo ngại về sự thay đổi hoặc đảo chiều chính sách của chính quyền mới ở Mỹ, được trấn an về sự tiếp tục mạch chính sách đã hình thành từ nhiều đời chính quyền Mỹ trước đây. Tuyên bố chung này chính là văn bản về sự duy trì ổn định trong quan hệ hai nước và có phần nâng cao nhất định.
Có thể thấy những trợ lý hàng đầu của Tổng thống Donald Trump đã tham gia vào việc xây dựng bản tuyên bố này, từ Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Ngoại giao, Nhà Trắng. Con rể của Tổng thống Donald Trump cũng tham gia cuộc hội đàm mở rộng giữa 2 nước.
Tôi nghĩ chính quyền mới đã giành một sự quan tâm nhất định đến quan hệ với Việt Nam. Nếu xem xét vị trí chiến lược của Việt Nam thì có thể thấy Mỹ đã nhìn nhận vai trò của Việt Nam trong chiến lược đang hình thành của Mỹ ở châu Á.
Do vậy, tôi nghĩ không có lý do gì để chính quyền Mỹ đảo ngược những điều mà hai bên đã đồng ý với nhau trong chuyến đi lần này của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
- Ông nói gì về cơ hội nâng cấp quan hệ giữa hai nước trong tương lai?
- Giáo sư Alexander Vuving: Tôi nghĩ phía Mỹ rất muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam bao gồm tăng cường quan hệ về an ninh quốc phòng. Đương nhiên, Mỹ muốn cung cấp nhiều vũ khí cho Việt Nam, điều đó có lợi cho kinh tế của Mỹ và đồng thời cũng có lợi ở chỗ nâng cao năng lực của Việt Nam để giữ gìn an ninh trên Biển Đông.
Sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa hải quân hai nước, sự tiếp cận của tàu chiến, máy bay Mỹ vào các cảng biển và sân bay của Việt Nam cũng là điều Mỹ rất mong muốn.
- Theo quan điểm của ông thì về cơ bản, các chính sách của chính quyền mới với Việt Nam vẫn giữ nguyên?
- Giáo sư Alexander Vuving: Đúng vậy! Có thể nói tất cả điểm mấu chốt của quan hệ đối tác toàn diện trong Tuyên bố chung về Đối tác Toàn diện từ năm 2013, các điểm được khẳng định thêm sau chuyến thăm của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng năm 2015 và Tổng thống Obama sang Việt Nam năm 2016 đều tiếp tục được nhắc đến trong tuyên bố chung này.
Như vậy, có thể nói chính quyền Mỹ thay đổi nhưng quan hệ Mỹ và Việt Nam vẫn phát triển theo những đường đã có, ngoại trừ việc Mỹ đã rút ra khỏi TPP và muốn cân bằng hơn quan hệ thương mại. Có thể nói đây là điểm mới lớn nhất trong quan hệ Việt Nam và Mỹ.
Nhưng tôi nghĩ đó cũng không phải là một điều tiêu cực vì nó thúc đẩy Việt Nam lành mạnh hóa cán cân thương mại với các nước. Hai bên tiếp cận với nhau một cách rất lịch sự về vấn đề này.