Hãng tin Yonhap cho biết Triều Tiên, ngày 30/5 khẳng định họ đã phát triển một phương tiện để tấn công các mục tiêu di chuyển trên biển với độ chính xác cao. Bình Nhưỡng cho biết họ đã sử dụng hệ thống dẫn đường chính xác mới trong đợt thử nghiệm tên lửa vừa qua.
Quân đội Hàn Quốc cho biết tên lửa được phóng từ bờ biển phía đông Triều Tiên vào sáng 29/5 và bay được khoảng 450 km rồi rơi xuống biển. Bình Nhưỡng nói rằng họ đã giảm một nửa tầm bắn để thử nghiệm, điều đó có nghĩa tên lửa mới có tầm bắn tương đương với Scud-ER, tầm bắn khoảng 1.000 km, tạo ra mối đe dọa tiềm tàng cho quân đội Mỹ đồn trú tại Nhật Bản.
Triều Tiên đã có ASBM?
Tên lửa phóng thử hôm 29/5 được giới quân sự nhận định là phiên bản của tên lửa đạn đạo Scud-ER bổ sung thêm thiết bị phụ trợ để ổn định quỹ đạo bay và tăng độ chính xác. Phiên bản này được cho là một loại tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM).
Quan sát cuộc thử nghiệm tên lửa, nhà lãnh đạo Kim Jong-un ví von tên lửa như “khẩu súng trường bắn tỉa” vì khả năng tấn công các mục tiêu trên đất liền, trên biển kể cả tàu chiến đang di chuyển của đối phương.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un trực tiếp theo dõi đợt thử nghiệm tên lửa hôm 29/5. Ảnh: Yonhap. |
Theo Yonhap, việc theo đuổi phát triển loại tên lửa đạn đạo chống hạm, thường được gọi là “sát thủ diệt tàu sân bay” không phải là điều mới mẻ đối với Triều Tiên. 2 tàu sân bay USS Carl Vinson và USS Ronald Reagan của Mỹ đang hoạt động ở khu vực tây Thái Bình Dương.
Bình Nhưỡng tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa đạn đạo chống hạm không ngoài mục đích đánh đòn tâm lý nhắm vào các siêu hàng không mẫu hạm của Mỹ. Bình Nhưỡng đang được khích lệ sau thành công của tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong-2 có thể đạt tầm bắn tới gần 5.000 km.
Triều Tiên đang tập trung làm chủ công nghệ phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), nâng cao độ chính xác của các loại tên lửa đạn đạo đang có, cả nhiên liệu rắn và lõng, giảm thời gian chuẩn bị phóng.
Bình Nhưỡng tuyên bố rằng tên lửa thử nghiệm hôm 29/5 đánh trúng mục tiêu với sai số chỉ 7 m. Trong khi đó, bán kính lệch mục tiêu (CEP) của tên lửa đạn đạo tầm trung Nodong khoảng 2-3 km khi bắn ở cự ly 1.000 km. Tên lửa Scud có CEP khoảng 450-1.000 m khi bắn ở cự ly 300 km. Tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D của Trung Quốc có CEP khoảng 30-40 m.
Thiếu công nghệ dẫn hướng tầm xa
Các nhà quan sát hoài nghi tuyên bố tên lửa mới có CEP chỉ 7 m của Bình Nhưỡng. Tuy vậy, với sự xuất hiện của loại tên lửa mới trong cuộc diễu binh ngày 15/4 vừa qua, tuyên bố của Triều Tiên về việc ổn định quỹ đạo và cải thiện độ chính xác là có cơ sở.
Tên lửa đạn đạo Scud-ER vừa được Triều Tiên công bố trong cuộc diễu binh ngày 15/4 vừa qua. Ảnh: CNN. |
Đầu đạn của tên lửa mới công bố trong cuộc diễu binh có các vây ổn định nhỏ. Bình Nhưỡng cho biết thêm, họ đã trang bị thêm các động cơ rocket nhỏ ở giai đoạn giữa của chuyến bay để kiểm soát tốc độ, sự ổn định và dẫn hướng chính xác ở giai đoạn cuối.
Câu hỏi được các nhà phân tích đặt ra là Triều Tiên sẽ sử dụng hệ thống cảm biến, hay công nghệ dẫn hướng nào để có thể tấn công các mục tiêu di chuyển trên biển. Bình Nhưỡng thiếu các radar, hay hệ thống trinh sát tầm xa, một trong những yêu cầu chính của hệ thống ASBM.
Đầu đạn tên lửa ASBM không chỉ cần hệ thống định vị toàn cầu mà còn thiết bị dẫn đường tiên tiến khác. Trong tuyên bố thử nghiệm thành công tên lửa có thể tấn công mục tiêu trên biển của Triều Tiên không đề cập đến hệ thống như vậy.
Chang Yong-keun, giáo sư Đại học Hàng không Hàn Quốc nói: “Triều Tiên không có vệ tinh và các hệ thống giám sát, trinh sát tầm xa nên có nhiều hạn chế trong việc điều khiển tên lửa ASBM. Thay vào đó, họ tích cực phát triển cảm biến mới để cải thiện độ chính xác của tên lửa từ đầu những năm 2000”.