Tại cuộc họp báo vào ngày 27/2, ông Khairy Jamaluddin - Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaysia - cho biết lô vaccine Sinovac được chuyển đến với số lượng lớn để cơ quan quản lý có thể tiến hành kiểm tra tính ổn định, qua đó đảm bảo rằng vaccine này an toàn, theo Bloomberg.
"Chúng tôi biết loại vaccine này được sử dụng ở những đâu trên thế giới, nhưng chúng tôi cũng có cơ quan quản lý riêng. Quan điểm của chính phủ Malaysia là sẽ triển khai dựa vào đánh giá của Cơ quan Quản lý Dược phẩm Quốc gia", ông Khairy Jamaluddin nói.
Bộ trưởng này nói chính phủ rất muốn vaccine Covid-19 được duyệt càng nhanh càng tốt, nhưng ông cũng khẳng định "không đi đường tắt" để thúc đẩy việc phê chuẩn.
Máy bay chở vaccine của Trung Quốc hạ cánh tại sân bay ở Malaysia ngày 27/2. Ảnh: Xinhua. |
Pharmaniaga Bhd là đơn vị chịu trách nhiệm đóng gói và phân phối lô vaccine Sinovac ở Malaysia. Công ty cho biết lô hàng bao gồm 200 lít vaccine, sau đó được chia thành 300.000 liều.
Vào tháng 1, Pharmaniaga ký thỏa thuận cho phép Sinovac cung cấp 14 triệu liều vaccine Covid-19, và giao hàng theo giai đoạn. Số vaccine này đủ để tiêm chủng cho khoảng 22% dân số Malaysia.
Quá trình chuyển giao và phân phối này vẫn cần phải được phê duyệt theo quy định, theo Bloomberg.
Phía Pharmaniaga cho biết quá trình thẩm định lô vaccine của Trung Quốc sẽ bắt đầu vào ngày 1/3, và dự kiến hoàn thành trong 12 ngày.
Malaysia nhận được khoảng 300.000 liều vaccine Covid-19 của hãng dược phẩm Trung Quốc Sinovac vào ngày 27/2. Ảnh: AP. |
Hiện Malaysia cam kết có 66,7 triệu liều vaccine Covid-19, mua từ các nhà sản xuất gồm Sinovac, AstraZeneca, Sputnik V và CanSinoBio. Số vaccine này đủ để tiêm chủng cho gần 110% dân số.
Cho tới nay, Pfizer vẫn là nhà sản xuất duy nhất được chính phủ Malaysia chấp thuận để vaccine Covid-19 của hãng này được đưa vào sử dụng. Theo kế hoạch, Pfizer cung cấp tổng cộng 32 triệu liều cho Malaysia.
Theo Bộ trưởng Khairy, cho tới nay, tổng cộng 1,183 triệu người Malaysia đã đăng ký tiêm vaccine Covid-19, và 3.583 người đã được tiêm.