Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Sự bất thường trong việc Trung Quốc gửi vaccine đến Singapore

Lô vaccine Covid-19 của Sinovac được chuyển đến Singapore hôm 23/2, dù nước này chưa cấp phép sử dụng cho sản phẩm do công ty Trung Quốc phát triển.

vaccine Trung Quoc chuyen den Singapore anh 1

Singapore nhận được lô vaccine Covid-19 đầu tiên vào tháng 12/2020 trong sự hoan nghênh của chính giới và người dân đảo quốc. Sản phẩm do Pfizer và BioNTech phát triển.

Khi đó, Bộ trưởng Giao thông Ong Ye Kung là người đích thân giám sát việc tiếp nhận và vận chuyển lô vaccine tới một kho đông lạnh. Thủ tướng Lý Hiển Long gọi lô vaccine là "món quà" được mong đợi từ lâu.

Hai tháng sau, Singapore tiếp tục nhận lô vaccine đầu tiên của Moderna. Thủ tướng Lý Hiển Long một lần nữa cho thấy sự "hài lòng" với lô vaccine. Ông chia sẻ với cánh phóng viên hình ảnh những hộp chứa vaccine được máy bay của Singapore Airlines đưa về nước.

Đến tối 23/2, Singapore tiếp nhận lô vaccine do tập đoàn Trung Quốc Sinovac sản xuất.

Tuy nhiên, trái ngược với hai sự kiện trước, không buổi lễ khoa trương nào được tổ chức lần này. Thay vào đó, sự kiện diễn ra âm thầm và công chúng chỉ được biết qua một thông báo của Đại sứ quán Trung Quốc, theo South China Morning Post.

vaccine Trung Quoc chuyen den Singapore anh 2

Lô vaccine hạ cánh tại sân bay Changi, Singapore. Ảnh: Reuters.

Singapore không hào hứng với vaccine Sinovac?

Bộ Y tế Singapore xác nhận vaccine Sinovac đã được chuyển tới nước này. Tuy nhiên, do chưa được cấp phép, Singapore sẽ không đưa vaccine của Sinovac vào tiêm chủng, không giống với các sản phẩm của Pfizer và Moderna.

Các nhà phân tích cho rằng những hoài nghi xung quanh vaccine Sinovac là một trong những yếu tố tạo ra phản ứng trái ngược của Singapore, so với khi tiếp nhận hai loại vaccine của Mỹ.

Vụ việc đồng thời cho thấy Singapore dường như đang đứng trước sức ép ngoại giao trong việc cấp phép sử dụng sản phẩm của Trung Quốc, theo South China Morning Post.

Chuyên gia bệnh truyền nhiễm Leong Hoe Nam lưu ý việc vaccine được chuyển tới trước khi nó được cấp phép sử dụng là một hiện tượng "bất thường".

Vaccine sẽ đối mặt nhiều rủi ro, bao gồm khả năng hết hạn trước khi được chính thức cấp phép sử dụng. Dù vậy, Sinovac cho biết vaccine của hãng này có thời hạn sử dụng là 3 năm nếu được bảo quản lạnh đúng cách.

"Có vẻ Trung Quốc đang 'cầu xin' Singapore sử dụng vaccine của mình", ông Leong nói, đồng thời hoài nghi mục đích việc Trung Quốc gửi đi lô vaccine của Sinovac.

Nhà chức trách Singapore cho biết đã đạt được một thỏa thuận với Sinovac về vaccine, nhưng không cho biết các chi tiết về kế hoạch tiếp nhận.

vaccine Trung Quoc chuyen den Singapore anh 3

Người cao tuổi Singapore chờ tới lượt tiêm vaccine. Ảnh: Reuters.

Chuyên gia về chính sách y tế Khor Swee Kheng của Malaysia cho rằng những nước tiếp nhận vaccine trước khi nó được cấp phép sử dụng sẽ phải đối mặt tình trạng "mơ hồ về quy định". Cơ quan quản lý y tế cũng đứng trước sức ép chính trị phải sớm phê duyệt sử dụng vaccine.

Ông Khor cho biết nhiều quốc gia đang phải chật vật cân bằng giữa tốc độ phê chuẩn vaccine với thỏa thuận đã ký với các hãng dược phẩm.

Chuyên gia này nói một quốc gia phê duyệt vaccine quá chậm có nguy cơ bị "nẫng tay trên" bởi một nước khác đã cấp phép cho loại vaccine đó.

Bộ Y tế Singapore hôm 24/2 thông báo Sinovac bắt đầu nộp các dữ liệu đầu tiên về công hiệu của vaccine. Tuy nhiên, ông Leong cho biết không có khung thời gian cố định về quy trình phê chuẩn vaccine.

"Chỉ khi đã đáp ứng mọi yếu tố, vaccine mới có thể được thông qua", ông Leong nói.

Bắc Kinh thật sự muốn gì?

Chuyên gia về chính sách đối ngoại của Trung Quốc từ Đại học Quốc gia Singapore, ông Chong Ja Ian, cho rằng Bắc Kinh đang nóng lòng muốn cộng đồng quốc tế cấp phép sử dụng vaccine Sinovac.

Trung Quốc có thể dùng vaccine như một công cụ ngoại giao. Lô vaccine chuyển tới Singapore có thể là một phần của chiến lược đó, ông Chong nhận định.

Bởi Trung Quốc rất muốn nhanh chóng chứng minh năng lực y tế của nước này không thua kém các nước phương Tây, việc Singapore không cấp phép, hoặc chậm cấp phép, cho vaccine Sinovac có thể khiến Bắc Kinh "rất không hài lòng", theo South China Morning Post.

"Dù vậy, cân nhắc cốt lõi trong giai đoạn khủng hoảng này nên là sự hiệu quả và an toàn của vaccine, thay vì liệu các chính phủ hay nhà lãnh đạo nước ngoài nào đó có hài lòng hay không", ông Chong nói.

Hôm 24/2, Đại sứ quán Trung Quốc tại Singapore dành những lời tán dương cho lô vaccine, gọi đây là "điểm nhấn mới" trong quan hệ 30 năm giữa Trung Quốc và Singapore.

vaccine Trung Quoc chuyen den Singapore anh 4

Vaccine được Trung Quốc sử dụng như công cụ ngoại giao. Ảnh: Reuters.

Viết trên Facebook, Đại sứ quán Trung Quốc cho rằng vaccine của Sinovac sẽ đóng góp vào nỗ lực chống virus của Singapore, và Bắc Kinh sẵn sàng phối hợp với "đảo quốc sư tử" để giành chiến thắng cuối cùng trước đại dịch.

Singapore là quốc gia thuộc thế giới thứ nhất với tiêu chuẩn cao về chất lượng, đặc biệt trong lĩnh vực y tế. Việc đảo quốc này cấp phép cho vaccine Sinovac sẽ giúp đóng chiếc tem bảo đảm chất lượng lên loại vaccine do Trung Quốc phát triển.

Victor Shih, giáo sư kinh tế chính trị thuộc Đại học San Diego, California, cho biết vaccine của Sinovac hiện mới được sử dụng chủ yếu ở các nước đang phát triển như Philippines và Indonesia.

Phê chuẩn từ phía Singapore sẽ tạo ra uy tín cho vaccine do Trung Quốc phát triển, đưa nó thành loại sản phẩm được chấp nhận trên phạm vi toàn cầu.

Hiện tại, Singapore là một trong số ít các quốc gia thu nhập cao cân nhắc sử dụng vaccine do Trung Quốc phát triển, bên cạnh Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Mặc dù vậy, ông Shih đặt ra một kịch bản khác, rằng mục tiêu tuyên truyền chính của chiến lược ngoại giao vaccine từ phía Bắc Kinh lại là người dân trong nước.

"Khi Trung Quốc tung ra chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn trong nước, chính phủ muốn người dân nước mình chấp nhận vaccine nội địa, dù hiệu quả của nó thấp hơn so với vaccine của phương Tây", ông Shih nói.

Dữ liệu thử nghiệm lâm sàng cho thấy hiệu quả của vaccine Sinovac chỉ là 50,4%, so với tỷ lệ 95% của Pfizer-BioNTech hay 94% của Moderna.

Giáo sư của Đại học San Diego cũng nhận định có thể có "áp lực phía sau hậu trường" thúc ép Singapore phê chuẩn vaccine của Sinovac.

Tuy nhiên, ngay cả khi vaccine Sinovac được cấp phép, sản phẩm này sẽ ít được xem xét bởi đã có nguồn cung từ phía Pfizer-BioNTech và Moderna.

Chính phủ Singapore tới nay chưa tiết lộ nước này sẽ nhận được bao nhiêu liều vaccine mỗi loại, đồng thời cho biết người dân sẽ không được lựa chọn loại vaccine mà họ được tiêm.

Nhà chức trách thông báo 110.000 người đã tiếp nhận đủ 2 liều vaccine tính đến ngày 18/2, trong khi 250.000 người đã được tiêm liều thứ nhất.

Cuộc chạy đua ‘sống còn’ giữa vaccine và các biến chủng virus mới

Việc tiêm phòng Covid-19 diện rộng đã bắt đầu ở hàng chục quốc gia - điều thần kỳ về y học chỉ sau một năm đại dịch. Nhưng chặng đường tiếp theo còn khó khăn hơn.

Đề cử nội các bị làm khó, Nhà Trắng im lặng

Một đề cử nội các của Nhà Trắng có nguy cơ bị Thượng viện bác bỏ. Điều này đặt ra dấu hỏi về sự nhạy bén chính trị và năng lực xử lý quan hệ với quốc hội của chính quyền Biden.

Biến chủng B1525 của virus corona nguy hiểm đến mức nào?

Biến chủng mới của SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh được cho là có khả năng kháng miễn dịch và tỷ lệ lây nhiễm cao. Các nhà khoa học còn cho rằng biến chủng này có thể kháng vaccine.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm