Thừa nhận Bộ GTVT có trách nhiệm về những sai phạm xảy ra trong hoạt động đăng kiểm, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đã nêu nhiều giải pháp để sớm chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay đồng thời cam kết tăng cường quản lý Nhà nước, trong phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội vào sáng 8/6.
Bên cạnh đó, những phiền hà, tiêu cực trong đào tạo, sát hạch cấp bằng lái xe cũng là hiện trạng nhức nhối được nhiều đại biểu nêu trước nghị trường. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định Bộ GTVT đã siết chặt thanh tra hoạt động này.
Sai phạm đăng kiểm có trách nhiệm của Bộ GTVT
Chiều 7/6, tham gia tranh luận về vấn đề đăng kiểm với Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, đại biểu Trần Thị Kim Nhung (Thường trực Ủy ban Pháp luật) cho rằng việc thiếu hụt nhân viên gây khủng hoảng đăng kiểm có một phần trách nhiệm của Bộ GTVT. Nữ đại biểu đánh giá cơ quan này đã không chủ động, chưa kịp thời phối hợp với các cơ quan để giải quyết vấn đề.
Trả lời đại biểu Nhung đầu phiên sáng 8/6, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định sự việc xảy ra tại Cục đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm là sự cố "hết sức đau xót" với lĩnh vực đăng kiểm và ngành GTVT.
"Bộ có trách nhiệm cùng Cục Đăng kiểm Việt Nam về những sai phạm xảy ra trong hoạt động đăng kiểm", ông Thắng nhìn nhận.
Tuy nhiên ông giải thích việc điều tra, khởi tố, tạm giam các đăng kiểm viên do công an các địa phương thực hiện. Theo nguyên tắc điều tra, Bộ GTVT không thể đề nghị Bộ Công an “trước khi xử lý cần trao đổi với Bộ GTVT”.
Tuy nhiên, 75% các trung tâm đăng kiểm của tư nhân nên không phải muốn khôi phục là khôi phục ngay được, nhất là trong số những người bị khởi tố, bắt giam có nhân lực chủ chốt là đăng kiểm viên bậc cao. Đây là những người rất khó thay thế vì thông thường mỗi trung tâm chỉ có một người đồng thời để đào tạo được một đăng kiểm viên bậc cao cần 1-1,5 năm.
Bộ trưởng GTVT cho biết việc đào tạo đăng kiểm viên mất nhiều thời gian. Ảnh: Thành Đông. |
Theo Bộ trưởng, sau khi tiến hành nhiều giải pháp, đến nay vấn đề đăng kiểm cơ bản được giải quyết, điều kiện cho các trung tâm đăng kiểm hoạt động cơ bản được đảm bảo. Còn vấn đề giá dịch vụ đăng kiểm đã được Chính phủ đề xuất Quốc hội xem xét khi sửa đổi Luật Giá.
Trước đó trong phiên tranh luận chiều 7/6, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết hiện nay, cả nước chỉ còn 2 tỉnh Bắc Kạn và Hòa Bình chưa mở lại trung tâm đăng kiểm.
“Tôi đã trực tiếp làm việc với Bí thư tỉnh ủy và Giám đốc Sở GTVT Hòa Bình xem làm thế nào để mở lại. Chúng tôi đã phải hỗ trợ địa phương đào tạo một cán bộ do địa phương giới thiệu. Sau đó đồng chí này sẽ được cấp chứng chỉ có thể về lãnh đạo trung tâm đăng kiểm”, ông Thắng nói và cho biết hiện công tác đăng kiểm không còn vướng gì nữa bởi cái khó nhất là vị trí lãnh đạo đã lo được.
Tranh luận thêm vào sáng nay, đại biểu Leo Thị Lịch (đoàn Bắc Giang) cho rằng để giải quyết việc ùn tắc tại trung tâm đăng kiểm, bộ trưởng nói chỉ cần đào tạo lãnh đạo cho các trung tâm đăng kiểm là xong, là không lo. Tuy nhiên, bà cho rằng việc này chỉ giải quyết phần ngọn của vấn đề còn về phần gốc là nguyên nhân dẫn đến sự việc đã rồi thì ông Thắng chưa nêu được.
“Phải chăng sự thiếu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước dẫn đến việc xã hội hóa đến mức mất kiểm soát. Từ đó để các trung tâm đăng kiểm tự do lộng hành”, bà Lịch chất vấn.
Trao đổi lại, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng thừa nhận đã hiện trạng có rất nhiều ôtô hết niên hạn nhưng vẫn được đưa vào sử dụng. Về nguyên nhân sai phạm của các trung tâm đăng kiểm, ông Thắng đánh giá là chưa phản ứng kịp thời với những thay đổi về quy định pháp luật. Ông dẫn chứng khi Bộ GTVT tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 139 có nội dung rất quan trọng là quy hoạch mạng lưới đăng kiểm. Tuy nhiên khi Luật Quy hoạch ra đời, các quy hoạch ngành không còn hiệu lực. Điều này dẫn đến các trung tâm đăng kiểm ở các địa phương bắt đầu nở rộ.
Minh chứng là trong 2 năm, số trung tâm đăng kiểm tăng lên 281 - vượt cả mạng lưới đăng kiểm đến 2030. “Khi nhiều trung tâm đăng kiểm nở rộ dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến tiêu cực. Trong đó có tham ô, câu kết, có trách nhiệm và vấn đề đạo đức của các bộ phận từ lãnh đạo cấp phòng đến lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam với trung tâm đăng kiểm”, ông Thắng nói đồng thời cho biết việc này đã vô hiệu hóa hiệu quả của công tác kiểm tra giám sát bởi khi họ câu kết với nhau, họ không thể “lấy đá ghè chân mình”.
Siết chặt đào tạo, sát hạch cấp bằng lái xe
Đại biểu Tráng A Dương (Đoàn Hà Giang) cho nêu tình trạng thời gian qua, tại một số địa phương xảy ra tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực trong đào tạo, sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe gây bức xúc trong dư luận. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp khắc phục tình trạng trên.
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết đã nhận diện được vấn đề này. Hiện, Bộ GTVT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong triển khai Đề án 06, ứng dụng công nghệ thông tin vào dịch vụ công. Hiện nay, việc cấp đổi bằng lái đã liên thông toàn bộ dữ liệu và có thể làm hoàn toàn qua mạng.
Đối với việc đào tạo, sát hạch cấp bằng lái thời gian tới, Bộ GTVT sẽ siết thanh tra, kiểm tra, phân định trách nhiệm của Bộ GTVT và Sở GTVT các tỉnh. Hiện nay, việc sát hạch cấp giấy phép lái xe đang được phân cấp cho địa phương, Bộ chỉ làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước.
"Chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành khắc phục triệt để vấn đề đại biểu nêu", ông Thắng cho hay.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng trả lời chất vấn. Ảnh: Quốc hội. |
Trước đó, trong phiên chiều 7/6, đại biểu Nguyễn Thị Huế (đoàn Bắc Kạn) nêu tình trạng sát hạch, cấp đổi giấy phép lái xe còn hạn chế như đào tạo vượt số lượng, giám sát học và thi còn hình thức; còn tình trạng cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy, người không đủ năng lực hành vi, sức khỏe… Nữ đại biểu chất vấn bộ trưởng về giải pháp chấm dứt tình trạng trên.
Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Huế, Bộ trưởng GTVT cho biết về vấn đề đào tạo sát hạch, cấp giấy phép lái xe, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết Bộ GTVT vừa qua đã thanh tra toàn diện tại 63 tỉnh thành. Quá trình thanh tra đã ghi nhận vấn đề trong chất lượng đào tạo, tổ chức thi (gồm cả lý thuyết và sát hạch), đào tạo cấp giấy phép lái xe cho người nghiện…
Khi phát hiện, Bộ trưởng GTVT đã đã chỉ đạo thanh tra Bộ xử lý nghiêm đồng thời chuyển 6 hồ sơ sang cơ quan công an để điều tra, làm rõ. Bộ GTVT sẽ tiếp tục hoàn thiện việc sửa đổi thông tư, siết chặt quản lý để không tái diễn việc đào tạo, cấp bằng lái cho người nghiện.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng chỉ đạo tất cả sở GTVT xử lý nghiêm bởi lĩnh vực này đã phân cấp phân quyền toàn bộ xuống cho địa phương. Bộ GTVT sẽ điều chỉnh, hoàn thiện văn bản pháp luật để tạo điều kiện cho địa phương quản lý.
Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.