Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

#FORMAT

Bộ trưởng Canada: TPP-11 nên là một hiệp định bao trùm

Theo bộ trưởng thương mại Canada chúng ta không thể giao thương như cách cha ông làm hai thập kỷ trước. Thương mại của thế kỷ 21 cần dựa trên luật lệ và bao trùm hơn.

TPP 11 tai Viet Nam anh 1TPP 11 tai Viet Nam anh 2

Theo bộ trưởng thương mại Canada chúng ta không thể giao thương như cách cha ông làm hai thập kỷ trước. Thương mại của thế kỷ 21 cần dựa trên luật lệ và bao trùm hơn.

Bộ trưởng Thương mại Canada François-Philippe Champagne có mặt ở Đà Nẵng từ rất sớm, hôm 6/11, để bắt đầu một loạt các trao đổi song phương với những người đồng cấp các nước TPP. Bên lề giữa các cuộc gặp này, ông Champagne đã có cuộc trao đổi riêng với Zing.vn về triển vọng của TPP-11 cũng như các vấn đề thương mại của khu vực. 

- Một trong những điều rất được quan tâm lúc này là liệu TPP-11 có thể đạt được thoả thuận ở Đà Nẵng? Hôm nay ông sẽ có cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh?

- Ông ấy là người bạn tốt của tôi. Về TPP, tôi nghĩ chúng ta phải nhìn lùi một chút. Khoảng 10 tháng trước, Mỹ quyết định rút khỏi TPP. Đến 7 tháng trước thì các bộ trưởng gặp gỡ ở Chile để ra quyết định liệu nên dừng hiệp định hay tiếp tục. Có nên tiếp tục thúc đẩy tự do thương mại ở châu Á – TBD hay không?

TPP 11 tai Viet Nam anh 3
Bộ trưởng Thương mại Canada François-Philippe Champagne có mặt ở Đà Nẵng từ rất sớm . Ảnh: Tùng Tin.

Khi rời khỏi cuộc họp, chúng tôi quyết định tốt nhất là nên có hiệp định thương mại tự do và mở ở khu vực này mà những tầng lớp trung lưu, mọi người dân đều được lợi.

Việc khác chúng tôi phải làm là duy trì được thống nhất. Hiểu rằng có những nước như Nhật Bản đã phê chuẩn hiệp định TPP trong khi Canada cùng những nước khác vẫn đang cân nhắc xem hiệp định này sẽ mang gì tới cho người dân của họ. Chúng tôi giao cho các trưởng đoàn đưa ra các phương án để xem xét – vì thật ra có vài phương án.

Canada đến bàn đàm phán với góc nhìn cởi mở, xây dựng. Chúng tôi là nền kinh tế lớn trong APEC nên tiếng nói của chúng tôi có trọng lượng. APEC còn một thành viên G7 nữa là Nhật Bản nhưng chúng tôi cũng là thành viên chủ chốt vì chúng tôi nhập khẩu rất nhiều – trong APEC thì khoảng 6,7% nhập khẩu hàng hoá toàn khu vực là tới Canada. Chúng tôi là nhân vật chủ chốt, không chỉ vì quy mô nền kinh tế mà còn bởi vì những giá trị chúng tôi đại diện.

TPP 11 tai Viet Nam anh 4

Trong tuần này các bạn sẽ thấy thêm tiến bộ với TPP. Chúng tôi cam kết sẽ giữ những gì được coi là tốt của hiệp định, đảm bảo rằng VN và các nước như New Zealand cũng nhấn mạnh các yếu tố tiến bộ, bao trùm của hiệp định – dù đó là chương về lao động, về môi trường hay chương đảm bảo nhà nước sẽ đưa ra những điều luật tốt nhất cho người dân của mình.

Chúng ta không thể làm thương mại như cách cha ông chúng ta làm hai thập kỷ trước. Thương mại của thế kỷ 21 là thương mại dựa trên luật lệ - đó là cân nhắc tới các yếu tố như con người, quyền lợi của công nhân, môi trường. Đó là tâm điểm chúng tôi muốn làm: đưa ra những quy định thương mại cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong nhiều thập kỷ tới. Thương mại dựa trên luật lệ, Thương mại mà quan tâm tới người dân trung lưu, quan tâm tới người dân ở những hoàn cảnh kinh tế khác nhau.

TPP 11 tai Viet Nam anh 5
Bộ trưởng François-Philippe Champagne trong cuộc trao đổi với Zing.vn ở Đà Nẵng. Ảnh: Tùng Tin.

- Các bên đang cố đàm phán để “treo” một số điều khoản để hoàn tất được TPP-11. Xin hỏi chính xác là bao nhiêu điều khoản sẽ bị “treo”? Đâu là vấn đề căng thẳng nhất lúc này?

- Tôi nghĩ một số điều khoản đã được nêu trong lần đàm phán cuối về quyền tiếp cận ở một số thị trường nhất định. Giờ mọi người nhìn lại và nói có thể bỏ một số điều trong đây.

Có thể treo một số điều khoản như trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ vì chúng tôi muốn đảm bảo những điều trong hiệp định sẽ khuyến khích được cả sáng tạo và đầu óc kinh doanh.

Cuối cùng thì quan trọng nhất là hiệp định có lợi cho mọi người nên chúng tôi cân nhắc chuyện treo một số điều khoản. Rồi treo những điều khoản mà trước kia chỉ được ủng hộ bởi nhóm nhỏ các nước. Giờ khi tiến tới với TPP-11 chúng ta nên có thoả thuận mà vừa hiện đại lại vừa phù hợp với lợi ích của thương mại bao trùm.

- Ông có con số các điều khoản sẽ bị treo? Có đúng là 50 điều như thông tin hiện tại?

Tôi nghĩ mọi thứ vẫn đang đàm phán. Khi bạn đàm phán với 11 bên, bạn sẽ thấy mọi việc luôn thay đổi. Nhưng tôi nghĩ con số của anh có lẽ đúng. Việc treo các điều khoản này sẽ khiến thương mại thực tế hơn với người dân.

Canada là nước rất tích cực để đảm bảo chính sách của chúng tôi cũng tương đồng với chính sách của phía VN. Nó giống với các ưu tiên mà các bạn đưa ra: bao trùm, quan tâm tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, về hội nhập kinh tế, về an toàn thực phẩm. Chúng ta muốn định hình thương mại mà khi nói về thương mại chúng ta phải nghĩ tới nhiều thập kỷ nữa tiếp theo.

Hiệp định này sẽ đặt nền tảng cho thương mại, sẽ có lợi cho tất cả các bên. Đây là mong muốn của chúng tôi.

TPP 11 tai Viet Nam anh 6
Ông Champagne thừa nhận con số các điều khoản "treo" có thể lên tới 50. Ảnh: Tùng Tin.

- Canada cũng đang đàm phán với Mỹ, Mexico liên quan tới hiệp định NAFTA. Đó là ưu tiên lớn hơn của Canada. Phải chăng vì vậy mà Canada khá chần chừ trong đàm phán TPP-11?

- Anh biết đấy, quốc gia nào cũng có những tình hình riêng. Canada đang đàm phán với Mỹ và Mexico. Đây là mối quan hệ thương mại lớn nhất (của Canada) trên thế giới nên đương nhiên nó rất quan trọng với Canada – hơn 70% hàng xuất khẩu của chúng tôi là tới thị trường Mỹ.

Tuy nhiên, Canada là nước Thái Bình Dương. Ví dụ thương mại song phương của Canada với VN là khoảng 5,5 tỷ USD. Như vậy quan hệ với vùng này cũng rất quan trọng. Nếu các bạn nhìn vào thương mại của nội khối APEC, 4 trong 5 đối tác thương mại lớn nhất của Canada là thành viên APEC.

Đây là thời điểm tốt đẹp nhất trong quan hệ Việt Nam và Canada Chiều ngày 7/11, Zing.vn đã có cuộc tiếp xúc với Bộ trưởng Thương mại Canada François-Philippe Champagne để trao đổi về quan hệ thương mại giữa hai nước.

Chúng ta hay nghĩ mọi việc trong bối cảnh đàm phán không có Mỹ (TPP), chúng tôi muốn ở trung tâm và hàng đầu trong bàn đàm phán. Chúng tôi là thành viên của G7, một trong những mước tân tiến nhất trên thế giới nên tôi nghĩ việc các nước trong khu vực muốn đàm phán với Canada là trên cơ sở đó.

Khi anh nhìn về thương mại thì Canada luôn đi hàng đầu trong đảm bảo các hiệp định thương mại này đem lại lợi ích cho toàn thể. Và đó là bộ khung nền tảng đã được đưa ra, đó là lý do mà chúng ta đã dành rất nhiều thời gian ở các chương như lao động, môi trường… những điều mà người trẻ nên suy nghĩ.

TPP 11 tai Viet Nam anh 7

Những người trẻ đánh giá các hiệp định thương mại này sẽ đánh giá chuyện chúng ta hành xử sao với trái đất này, chúng ta làm gì cho những người trẻ, chúng ta làm gì cho những gia đình. Nó không giống với thương mại như cái thời chúng ta chỉ đơn giản giảm thuế.

Thương mại giờ là làm thế nào để chúng ta đem được đến cơ hội cho những doanh nghiệp nhỏ của nữ giới ở Hà Nội mà muốn tham gia vào thị trường toàn cầu. Làm thế nào để đảm bảo được quyền của các nhóm nhỏ để đảm bảo họ được nói và thể hiện đúng theo ngôn ngữ họ muốn. Đây là thương mại phục vụ con người chứ không phải con người phục vụ thương mại.

Tôi vẫn hay nói đây là hành trình lên trên đỉnh chứ không phải là cuộc đua xuống đáy. Vì vậy cùng nhau chúng ta phải cố để đảm bảo có những yếu tố như tân tiến, bao trùm được đảm bảo cho hiệp định.

- Các nước có những mô hình khác nhau. TPP là cú đánh cược lớn với nhiều nước và khi thị trường lớn nhất là thị trường Mỹ mất đi thì có vẻ là cú đánh cược rất nhiều về chính trị kia trở thành quá “đắt” với một số nước?

- Việc chúng ta giữ các điều khoản tiến bộ và bao trùm của hiệp định thực tế là điều tốt cho VN. Hiệp định này sẽ giúp bảo vệ hành tinh này, nói về vấn đề biến đổi khí hậu, nói về tiêu chuẩn lao động, nói về nguyên tắc thương mại công bằng, nói về chuyện doanh nghiệp nữ sẽ được hỗ trợ, nói về người trẻ sẽ được tham gia môi trường thương mại, nói về các doanh nghiệp nhỏ và vừa có được vị trí trong hệ thống thương mại toàn cầu. Với tôi đây là những điều mà chúng ta có thể đạt được cùng nhau.

Chúng ta đặt ra những quy định luật lệ cho khu vực: những điều luật tân tiến, bao trùm về thương mại. Đó là những điều mà mọi người quan tâm. Và tôi nghĩ đó là thành tựu lớn nhất mà các nước TPP có thể làm là cùng nhau để đưa ra quy định về thương mại cho khu vực này của thế giới.

- Tôi khá ngạc nhiên khi có nhiều bộ trưởng đến sớm và có rất nhiều cuộc gặp song phương. Phải chăng đó là dấu hiệu chúng ta đang tiến rất sát tới một thoả thuận cho TPP ở Đà Nẵng?

- Việc có nhiều cuộc gặp đơn giản phản ánh vai trò của Canada. Chúng tôi đến sớm vì Canada có tiếng nói ở đây và Canada là một nước Thái Bình Dương. Chúng tôi muốn đảm bảo là mình có những trao đổi với các đối tác của mình, trao đổi với VN là nước chủ tịch, Thủ tướng chúng tôi cũng có chuyến thăm chính thức tới VN. Tôi nghĩ là việc Canada đóng vai trò chủ động là rất quan trọng.

Việc bạn thấy bộ trưởng như chúng tôi đến sớm để trao đổi tôi nghĩ là tín hiệu tích cực.

- Vậy là chúng ta đã sát tới một thoả thuận?

Tôi nghĩ là sẽ có một tuyên bố (về TPP) – đương nhiên sẽ khó để tôi đoán được hết mọi thứ sẽ diễn ra trong mấy ngày tới nhưng đương nhiên thì bạn đã thấy Canada và các nước đã có mặt, đàm phán đã có tiến triển, đảm bảo là chúng tôi lắng nghe những bên có liên quan.

Tôi hiểu từng nước ở những hoàn cảnh khác nhau khi họ tới đây: một số đã phê chuẩn TPP, một số thì vẫn đang cân nhắc các phương án khác nhau. Đó là lý do mà chúng ta có cuộc gặp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo sẽ cân nhắc phương án để tiếp tục. Với tôi thì quan trọng nhất là đảm bảo thương mại cho mọi người dân.

TPP 11 tai Viet Nam anh 8
TPP-11 nên là hiệp định thương mại cho khu vực trong nhiều thập kỷ tới. Ảnh: Tùng Tin. 

- Ông vừa nói Canada là quốc gia Thái Bình Dương, gần đây Tổng thống Trump đã nói về chính sách mới của mình là “Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và mở”. Ông có bình luận gì không?

- Tôi chưa được coi những tuyên bố đó nên sẽ khó để bình luận. Nhưng bất cứ mong muốn gì của Mỹ muốn tương tác với khu vực này thì đều đáng hoan nghênh.

- Về APEC 2017, ông đánh giá sao? 

- Chương trình APEC của VN rất trùng khớp với định hướng của Canada. VN nói về phát triển bao trùm, về an toàn thực phẩm, về hội nhập, về doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Nếu nhìn thì sẽ thấy những điều này rất trùng hợp với Canada, chúng tôi là nước thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, tiến bộ.

Thủ tướng Trudeau có một yêu cầu đơn giản: đó là đàm phán những hiệp định thương mại vì mọi người. Có nghĩa là thêm việc làm cho người thu nhập trung bình; thêm lựa chọn, giá thành tốt hơn cho người tiêu dùng; cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa để tham gia thị trường toàn cầu.

Và khi nói về phát triển bao trùm thì cũng nên nghĩ về những người đang ít được đại diện trong các hoạt động thương mại hiện tại: doanh nghiệp nữ, những người trẻ hay là những người dân tộc thiểu số.

Thủ tướng Canada sẽ có chuyến thăm chính thức tới đây. Chúng tôi tới đây và sẽ trao đổi một cách rất xây dựng. Tôi không nghĩ rằng có thời điểm nào tốt hơn lúc này cho Canada và VN.

- Chính sách của chúng ta giống nhau nhưng thương mại song phương thì hiện tại vẫn còn khá thấp, mới chỉ ở tầm 5,5 tỷ USD. Liệu có thể thúc đẩy thêm không?

Thủ tướng Trudeau vẫn nói “luôn có cách để tốt hơn”. Nên đương nhiên là có khả năng. Chúng tôi có 200.000 người Canada gốc Việt. Tôi nghĩ là thương mại bắt đầu với con người và khi chúng ta có số lượng người gốc Việt như vậy ở Canada mà rất hiểu đất nước này thì nên cố gắng để tăng trưởng thương mại. Đó là cam kết của tôi với tư cách là bộ trưởng thương mại quốc tế.

Tôi vẫn nói là VN không có người bạn nào tốt hơn Canada. Nên hãy nắm lấy cơ hội này, hãy thật tham vọng và đảm bảo rằng mọi người theo dõi chúng ta đều cảm thấy thương mại sẽ đem lại thay đổi thật sự cho cuộc sống của họ.

- Ông có kỳ vọng gì về chuyến thăm của Thủ tướng Trudeau tới Việt Nam?

- Thủ tướng Trudeau là nguồn cảm hứng không chỉ ở đất nước tôi mà ở cả trên thế giới. Ông có chính sách rất ủng hộ phụ nữ; tân tiến và bao trùm về thương mại. Mọi nơi đến ông đều toả sáng. Tôi nghĩ thế giới muốn nhiều hơn từ Canada và nếu làm được điều này với VN thì đó sẽ là vinh dự. 

- Ông Trudeau sẽ chạy bộ ở Hà Nội chứ?

- Tôi không rõ nữa (cười). Ông ấy gần như chạy khắp nơi. Chính chúng tôi cũng đang xem quanh đây có chỗ nào chạy không. Anh cứ ở trên đường có khi thấy chúng tôi chạy bộ ở ngoài. 

- Xin cảm ơn ông vì cuộc trao đổi này.

TPP-11 là tên gọi của hiệp định giữa 11 thành viên còn lại của TPP sau khi Tổng thống Donald Trump lên nhậm chức đã tuyên bố rút lui. Việc mở lại bất cứ điều khoản nào của 1.500 trang hiệp định TPP được coi là hết sức phức tạp khi các nước đồng ý điều khoản TPP ban đầu đều có những tính toán tổng thể về được - mất với các đối tác, đặc biệt là với thị trường Mỹ - nền kinh tế lớn nhất và thị trường quan trọng nhất cho các nước.

Đàm phán nước rút của TPP-11 bắt đầu bí mật tại Đà Nẵng

Đàm phán TPP-11 cấp trưởng đoàn đã chính thức bắt đầu sáng nay tại trung tâm hành chính của thành phố Đà Nẵng.

Các bộ trưởng tăng tốc song phương, đẩy nhanh đàm phán TPP tại Đà Nẵng

Cuộc đàm phán cho TPP-11 đang tăng tốc khi một loạt bộ trưởng TPP đã tới sớm từ tối 6/11 và bắt đầu các cuộc gặp song phương trong hôm nay và những ngày tới.

Thanh Tuấn thực hiện

Ảnh: Tùng Tin, Video: Quang Đức

Bạn có thể quan tâm