Trao đổi với Zing.vn bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC đang diễn ra tại Đà Nẵng, ông Võ Trí Thành, nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, cho rằng những ưu tiên mà Việt Nam đề xuất cho hợp tác APEC năm nay là "hợp thời và hợp lý".
Vị chuyên gia cũng khẳng định trong bối cảnh xu hướng bảo hộ mậu dịch gây ra những trở ngại nhất định cho hội nhập kinh tế, Việt Nam đã "tạo được sự đồng thuận" giữa các thành viên APEC, đảm bảo giữ được cái "chất" của diễn đàn này - đó là tự do hóa thương mại, đầu tư.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam hôm 7/11 tại Đà Nẵng. Ảnh: Hồng Nguyễn. |
Việt Nam đề ra những ưu tiên "hợp thời"
- APEC đã gần đi hết chặng đường một năm. Đến giờ phút này, ông đánh giá như thế nào về chủ đề và những ưu tiên mà Việt Nam đề xuất?
- Nói đến APEC, chúng ta phải nói đến 3 khía cạnh. Thứ nhất, đó là liên kết, hội nhập, tự do hóa thương mại đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh. Thứ hai, đặc biệt trong những năm gần đây, phải nói đến những vấn đề phát triển, những vấn đề khu vực đang phải đối mặt trong quá trình phát triển, ví dụ như về vấn đề tăng trưởng bao trùm, bền vững. Thứ ba, APEC là một khu vực năng động, tràn đầy sức sống, và do đó chúng ta cần phải thay đổi, cần phải thích ứng để đáp ứng những yêu cầu và đòi hỏi mới, ví dụ như cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ví dụ như thời đại số, ví dụ như sáng tạo khởi nghiệp, ví dụ như thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nếu chúng ta nhìn trên 3 khía cạnh ấy thì rõ ràng chủ đề và 4 ưu tiên của APEC năm nay đã đáp ứng được. Khi đưa ra chủ đề và 4 ưu tiên này thì Việt Nam được các nền kinh tế thành viên ủng hộ rất mạnh mẽ. Vì vậy có thể nói, lựa chọn chủ đề và ưu tiên của Việt Nam năm nay rất là hợp thời, hợp lý.
- Còn quá trình thực hiện những ưu tiên trên thì sao thưa ông? Các thành viên APEC đã gặp phải những trở ngại nào trong bối cảnh hội nhập kinh tế có dấu hiệu chựng lại gần đây?
- Quá trình thực hiện những ưu tiên này vừa có tính kế thừa của APEC, vừa phải xử lý những vấn đề cọ sát của những cách nhìn khác nhau đối với một số vấn đề. Cái năm nay ta thấy rõ nhất là bên cạnh cái "chất" của APEC là tự do hóa thương mại đầu tư thì cũng đang có những trào lưu về bảo hộ, một thái độ nào đó không thuận với toàn cầu hóa, với tự do hóa thương mại đầu tư.
Điều mà Việt Nam làm được cho đến lúc này, gắn với các ưu tiên, chính là việc xử lý những trào lưu, thái độ này ở một mức độ nhất định. Chúng ta đã cân bằng được, tạo được đồng thuận, đảm bảo giữ được cái chất của APEC cũng như những ưu tiên mà mình đề ra. Dấu ấn thể hiện rõ nhất trong việc thực hiện những ưu tiên này là việc tổ chức hàng trăm cuộc họp trải dài trên 10 tỉnh, thành phố.
Mục tiêu Bogor khó hoàn hảo 100%
- Trong năm qua, chúng ta đã nói rất nhiều về một APEC sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, hay nói nôm na "gần dân" hơn. Song đến Tuần lễ Cấp cao thì có vẻ chúng ta vẫn quan tâm nhất chuyện làm ăn của các doanh nghiệp, như hội nghị ông vừa tham dự?
- Nói đến APEC là nói đến tự do hóa thương mại đầu tư, APEC là vườn ươm cho những ý tưởng về phát triển, kinh doanh. Đằng sau tất cả hoạt động, xét cho đến cùng thì APEC có nghĩa là kinh doanh. APEC lấy doanh nghiệp, người dân làm trung tâm và doanh nghiệp, người dân phải được hưởng lợi, chứ không phải chỉ là quá trình phân phát từ trên xuống.
Cho nên, ngay trong APEC đã có những cơ chế, những hoạt động gắn với doanh nghiệp rồi. Chúng ta có ABAC (Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC), có CEO Summit (Hội nghị Thượng đỉnh Lãnh đạo doanh nghiệp APEC) và nhiều hoạt động khác. Chẳng hạn như ECOTECH (cơ chế hợp tác kinh tế kỹ thuật) là để hỗ trợ, nâng cao năng lực của các nền kinh tế thành viên, bao gồm các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
APEC tổ chức ở Việt Nam cũng vậy, coi trọng doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Chúng ta mong muốn làm sao để doanh nghiệp, mà đặc biệt là doanh nghiệp Việt, được hưởng lợi nhờ học hỏi, nhờ kết nối, nhờ tiếp cận được với thông tin, qua đó nắm bắt các cơ hội, cách thức kinh doanh tốt hơn.
Thế nhưng, đằng sau sự phát triển kinh tế chính là việc người dân được hưởng lợi. Những sáng kiến của APEC không chỉ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mà còn trực tiếp liên quan đến người dân, chẳng hạn như sáng kiến tăng trưởng bao trùm.
- Mục tiêu Bogor được đề ra vào năm 1994 nhằm biến APEC thành khu vực thương mại tự do hàng đầu thế giới vào năm 2020. Tức là chúng ta chỉ còn 3 năm để thực hiện mục tiêu này. Ông nghĩ Mục tiêu Bogor có thể hoàn thành không?
- Đây là mục tiêu dẫn dắt, là cốt hồn của APEC. Chính nhờ cái cốt hồn này mà chúng ta thấy trong 20-30 năm qua, khu vực này thay đổi rất mạnh mẽ: mức độ hội nhập, mức độ liên kết, sân chơi của doanh nghiệp, xét về quy mô, xét về tính thuận lợi là cao hơn rất nhiều. Không cần phải đưa ra con số mức thuế suất giảm bao nhiêu thì chúng ta cũng đã thấy rất rõ. Điều thứ hai cũng thấy rất rõ chính là liên kết hội nhập và điều này gắn với những cải cách bên trong đã đem lại những thành quả rất lớn về tăng trưởng, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Thế nhưng đó chưa phải tất cả. Nếu nói đến bản thân Mục tiêu Bogor thì chúng ta phải nỗ lực, phải tăng tốc bởi vì rất khó thực hiện hoàn hảo 100% dù tới nay đã là bước tiến rất lớn.
Quan trọng hơn là tinh thần của nó: tinh thần liên kết hội nhập, tinh thần vì doanh nghiệp, vì người dân, vì sự phát triển, tinh thần kết hợp hội nhập và cải cách, tinh thần bắt kịp những cái mới. Những tinh thần ấy phải luôn được giữ vững. Giờ đây, tinh thần ấy còn được thể hiện ở chỗ: bên cạnh việc tăng tốc thực hiện Mục tiêu Bogor thì APEC phải đi vào xây dựng tầm nhìn sau Bogor, sau năm 2020.
Việt Nam năm nay có một sáng kiến lớn, hy vọng tạo được dấu ấn, đó là thiết lập cơ chế, hay gọi là task force (đội ngũ chuyên trách - PV) cũng được, để xây dựng tầm nhìn ấy, làm sao để đến năm 2020, đúng thời điểm tổng kết quá trình thực hiện Mục tiêu Bogor thì các nhà lãnh đạo sẽ ra được tuyên bố về tầm nhìn APEC sau 2020.
Năm nay là lần thứ hai Việt Nam tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC. Lần đầu tiên là vào năm 2006. Ảnh: Tiến Tuấn. |
TPP-11: Tinh thần chung khá tích cực
- Ông tham dự khá nhiều cuộc họp trong khuôn khổ Năm APEC. Ông thấy vai trò chủ nhà của chúng ta được thể hiện ra sao?
- Về cơ bản thì đến nay tất cả nền kinh tế đều đánh giá tích cực công tác chuẩn bị, công tác điều hành, việc Việt Nam cùng các nền kinh tế khác đưa ra những sáng kiến vừa có tính kế thừa APEC vừa gắn với chủ đề và 4 ưu tiên năm nay. Chính những sáng kiến ấy là dấu ấn thể hiện thành công của Việt Nam.
Ít nhất tôi có thể nói tới 3 sáng kiến được đánh giá rất cao và chúng ta hy vọng chúng sẽ ghi dấu ấn trong tuyên bố của lãnh đạo APEC. Thứ nhất là sáng kiến phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số, được thông qua ngay từ kỳ họp SOM 2 (Hội nghị Quan chức Cao cấp APEC lần thứ 2) ở Hà Nội. Thứ hai là sáng kiến về doanh nghiệp vừa và nhỏ trong kỷ nguyên số. Thứ ba là sáng kiến về tăng trưởng bao trùm, bền vững, sáng tạo về kinh tế, tài chính, xã hội.
- Nhiều thành viên còn lại của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang nỗ lực đàm phán để có thể đi đến kết quả trong năm nay. Ông nghĩ thế nào về triển vọng của hiệp định này?
- Về TPP, tôi chỉ có thể nói tinh thần chung là khá tích cực. Còn tích cực đến thế nào thì phải chờ các cuộc họp và tuyên bố của lãnh đạo TPP-11 (11 nước còn lại sau khi Mỹ rút khỏi hiệp định - PV) trong Tuần lễ Cấp cao này. Cá nhân tôi thì tôi rất trông chờ điều tích cực với 2 mong muốn cụ thể.
Một là việc đóng băng tạm thời, dừng một số cam kết điều khoản ở mức tối thiểu, mục đích là giữ được tinh thần của một hiệp định chất lượng cao, gắn liền với cải cách thể chế và hướng tới những cách thức kinh doanh thương mại đầu tư của thế kỷ 21. Hai là các lãnh đạo sẽ vạch ra được rõ lộ trình để đi đến thỏa thuận và đưa TPP vào thực hiện trong thời gian ngắn nhất có thể.