Ngày 6/11, trong lúc các nhà báo đang theo dõi phiên khai mạc của Hội nghị Tổng kết Quan chức Cấp cao APEC (CSOM) tại một khu resort ven biển tại Đà Nẵng, một cuộc họp khác cũng bắt đầu ở bên kia sông Hàn. Đàm phán TPP-11 cấp trưởng đoàn đã khởi động trong sáng 6/11 tại Trung tâm Hành chính thành phố Đà Nẵng.
Buổi chiều, không lâu sau khi máy bay không vận C-17 của Không lực Mỹ đáp xuống sân bay Đà Nẵng để thả trực thăng Marine One dành cho tổng thống Mỹ, máy bay của Không quân Nga cũng xuất hiện. Tất cả nhằm mở đường cho sự xuất hiện của hàng loạt nguyên thủ và nhà lãnh đạo nền kinh tế trong một vài ngày tới.
Bên cạnh những hoạt động chính thức trong lịch trình, Tuần lễ Cấp cao APEC tại Đà Nẵng sẽ chứng kiến hàng loạt cuộc gặp song phương và cả cuộc đàm phán bí mật về TPP sau khi Mỹ rút khỏi. Trong một sự kiện thuộc tuần lễ APEC, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ lần đầu tiên phát biểu công khai về chiến lược của chính quyền mới đối với châu Á.
Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 sẽ diễn ra từ ngày 6 - 11/11. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Một năm thách thức với thương mại
Các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế sẽ gặp nhau tại Đà Nẵng trong một thế giới mà "hơi thở của chủ nghĩa bảo hộ" đang trỗi dậy ở nhiều nơi. Nhiều quan chức thừa nhận rằng năm 2017 đã mang lại nhiều khó khăn cho APEC trong việc thực hiện mục tiêu tự do hóa thương mại đầu tư.
Trao đổi với Zing.vn, Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC Alan Bollard thừa nhận rằng xu hướng bảo hộ đang trỗi dậy ở một số nền kinh tế, nhưng không phải tất cả các nền kinh tế của APEC và diễn đàn này là một nơi phù hợp để giải quyết các bất đồng trên đối với tự do thương mại.
"APEC càng trở nên quan trọng hơn trong một môi trường như thế này. (Không như các hiệp định tự do thương mại) APEC là một cuộc chơi dài hạn", ông nói.
Về Mục tiêu Bogor, ông Bollard cho biết APEC còn thời gian 2 năm và rất nhiều việc phải làm để đạt tới mục tiêu này. Việt Nam đang xem xét triển vọng cho việc thành lập một nhóm để tìm kiếm định hướng cho khối sau Mục tiêu Bogor, từ đó quyết định APEC sẽ tiếp tục theo đuổi Mục tiêu Bogor hay xác lập những định hướng mới.
Các ưu tiên Việt Nam đề xuất cho Năm APEC 2017 bao gồm: tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; thúc đẩy các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa tham gia thương mại quốc tế; và tăng cường an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.
TT Trump công bố chiến lược mới cho khu vực
Việc Tổng thống Trump dự hội nghị APEC ở Việt Nam và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại Philippines được coi như phép thử đối với sự can dự của Mỹ ở khu vực, trong bối cảnh chính sách châu Á của Washington đang định hình.
Thông điệp chính của chuyến đi châu Á của Tổng thống Trump là "Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở". Bài phát biểu của ông tại Hội nghị Doanh nghiệp APEC sẽ là những chi tiết đầu tiên về chiến lược của Mỹ dành cho châu Á - sự cắt nghĩa rõ ràng hơn đối với thuật ngữ trên.
Chính sách của cựu tổng thống Barack Obama đối với châu Á là "xoay trục sang châu Á", chuyển nhiều nguồn lực sang khu vực, đẩy quan hệ với các nước đồng minh truyền thống, thúc đẩy TPP. Các quan chức trong chính quyền mới liên tục nhấn mạnh rằng "xoay trục" là chiến lược cũ. Một số điểm mới của chiến lược đã lộ diện có: sự xuất hiện của trục Ấn Độ - Mỹ như hai trụ cột của hệ thống (cùng với đó là bộ tứ Ấn Độ - Nhật Bản - Australia - Mỹ), "tái cân bằng" thương mại Mỹ - Trung, thúc đẩy hệ thống thương mại kinh tế dựa trên luật lệ và tôn trọng các tiêu chuẩn cao...
Chuyến đi châu Á của tổng thống Mỹ sẽ hé lộ nhiều hơn về chiến lược mới của Washington đối với khu vực. Ảnh: AFP. |
Đột phá cho TPP?
Trước cuộc họp ngày 6/11 ở Đà Nẵng, truyền thông quốc tế đã xôn xao về việc 11 nước còn lại có thể tìm được thỏa thuận đột phá cho một TPP "không còn Mỹ". Đầu tháng 11, các nhà đàm phán đã họp trong 3 ngày tại Urayasu, phía đông thủ đô Tokyo của Nhật, để rút lại những điều khoản có thể tạm ngưng so với thỏa thuận ban đầu. New Zealand đồng ý sẽ không "ép" 10 nước còn lại phải đàm phán lại từ đầu để phù hợp với yêu cầu của chính phủ New Zealand về việc hạn chế người nước ngoài mua bất động sản.
"Động lực để hướng đến (một thỏa thuận) tại cuộc gặp ở Đà Nẵng đã tăng lên đáng kể", Reuters dẫn lời trưởng đoàn đàm phán TPP của Nhật Bản, ông Kazuyoshi Umemoto cho biết.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh rời trung tâm hành chính TP Đà Nẵng sau phiên đàm phán buổi sáng. Ảnh: Tiến Tuấn. |
TPP, ban đầu là thỏa thuận Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương của 12 quốc gia, tưởng chừng đã sụp đổ khi chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi hiệp định này. Các nước đã chấp nhận nhiều điều khoản chi để được tiếp cận với thị trường tốt nhất là Mỹ. Sau khi TPP không thể đi vào có hiệu lực với sự rút lui của Mỹ, các nước còn lại đã khởi động tiến trình chỉnh sửa và đàm phán lại để đạt được một thỏa thuận mới.
Các cuộc gặp song phương
Bên lề các sự kiện chính thức của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, nguyên thủ các quốc gia và lãnh đạo nền kinh tế được cho sẽ gặp nhau trong nhiều cuộc gặp song phương.
Sau cuộc gặp bên lề hội nghị G20 ở Đức vào tháng 7, Tổng thống Trump sẽ gặp lại Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bối cảnh quan hệ 2 bên vẫn chưa ấm lên sau việc ông Trump ký thông qua lệnh tiếp tục trừng phạt Nga. Một vấn đề khác dự kiến bao trùm cuộc gặp, như nó đã bao trùm chuyến đi châu Á của Trump, là vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Washingon thường xuyên cáo buộc Moscow, vốn là đồng minh của Bình Nhưỡng, phải cón nhiều trách nhiệm hơn trong việc ép nhà lãnh đạo Kim Jong Un từ bỏ chương trình hạt nhân và ngồi vào bàn đàm phán. Bên cạnh đó có thể có cuộc gặp song phương giữa ông Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Sau cuộc họp tại Đà Nẵng, lãnh đạo Trung Quốc, Mỹ, Canada và Chile sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam tại Hà Nội.