Trong cuộc họp báo tối 7/11, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản Toshihide Ando đã thông tin về nội dung cuộc họp song phương giữa Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono và Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh. “Cuộc gặp giữa hai vị bộ trưởng diễn ra hơn 40 phút, thảo luận nhiều vấn đề trọng tâm về các vấn đề song phương cũng như tình hình khu vực”, ông nói.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tiếp người đồng cấp Nhật Bản Taro Kono ngày 7/11. Ảnh: VGP. |
Những vấn đề nổi bật đã được thảo luận như Ngoại trưởng Kono tự tin đàm phán TPP sẽ kết thúc thành công, tình hình Biển Đông, các chương trình hợp tác an ninh biển… “Ngoại trưởng Kono cũng chia sẻ quan điểm về tầm nhìn đạt được khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở”, ông Ando nói.
Chính sách dấu ấn của Thủ tướng Abe
Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở thể hiện tầm nhìn của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về chiến lược chính sách đối ngoại mới, lần đầu được công bố vào năm 2016. Phó phát ngôn viên Ando nói với Zing.vn rằng trọng tâm của chính sách này vẫn là duy trì trật tự hàng hải dựa trên pháp quyền, qua đó bảo đảm ổn định và thịnh vượng khu vực.
“Nội dung cơ bản dựa trên hai điều: hai châu lục là châu Á với tốc độ tăng trưởng nhanh và châu Phi với tiềm năng tăng trưởng to lớn; và hai vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương tự do lưu thông và mở”, ông Ando nói. Chiến lược này sẽ làm tăng tính kết nối giữa châu Á và châu Phi, thông qua hai vùng đại dương giữa các châu lục. Để đạt được điều đó, Nhật Bản cần tăng cường hợp tác với những đối tác trọng điểm như Ấn Độ, Mỹ, Australia...
Chiến lược nhằm làm tăng tính kết nối giữa châu Á và châu Phi thông qua khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở. Ảnh: emb-japan.go.jp. |
Theo lời tường thuật của Phó phát ngôn viên Ando, Ngoại trưởng Kono đã nói với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh rằng Tokyo trân trọng và đánh giá cao sự ủng hộ của Việt Nam với chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở mà Nhật Bản đề xuất.
4 cột trụ bảo đảm an ninh, thịnh vượng
Theo quan điểm chính phủ Nhật Bản, mục tiêu của việc xây dựng chiến lược ngoại giao mới là nhằm giúp nước này chuẩn bị tốt hơn để đối phó với một thế giới và tình hình khu vực nhanh chóng, cũng như những mối đe doạ ngày càng tăng. Chiến lược cũng giúp Nhật Bản xây dựng hoà bình tích cực, chủ động hơn dựa trên “ngoại giao từ tầm nhìn rộng hơn về bản đồ thế giới”, theo lời Người phát ngôn nội các Nhật Norio Maruyama.
Ông Maruyama cho biết chiến lược nhằm tạo ra vùng châu Á - Thái Bình Dương “tự do và mở”, kết nối với những vùng ở Đông Phi, Nam Á, Đông Nam Á, vùng Tây Thái Bình Dương và Nhật Bản.
“Nhật Bản sẽ mở rộng cơ sở hạ tầng, các kế hoạch phát triển, thương mại và đầu tư, tăng cường môi trường kinh doanh và phát triển nhân lực tại Đông Á như điểm xuất phát, sau đó đến Trung Đông và Đông Phi”, Người phát ngôn Maruyama nói.
Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe cam kết cùng thực hiện Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở. Ảnh: AP. |
Sau cuộc họp thượng đỉnh giữa Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi giữa tháng 9/2017, hai nhà lãnh đạo ra tuyên bố chung với tiêu đề “Hướng đến khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, mở và thịnh vương”. Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nói New Delhi ủng hộ chiến lược mới của Nhật Bản vì tầm nhìn này rất ăn ý với chính sách "Hành động Hướng Đông" mà Ấn Độ theo đuổi.
Trong chuyến đi của Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Nhật cuối tuần qua, ông và Thủ tướng Abe cũng khẳng định thúc đẩy việc xây dựng một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở. “Chúng tôi sẽ hợp tác với những người bạn và các đồng minh để thực hiện điều này”, Tổng thống Trump khẳng định.
Về phần mình, Thủ tướng Abe nói: “Bảo vệ quyền tự do trên biển là nhiệm vụ then chốt để duy trì hoà bình và thịnh vượng. Nhật Bản và Mỹ sẵn sàng đi đầu trong việc này”. Ông cũng đồng thời mời Ấn Độ và Australia cùng tham gia.
"Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở” cũng tiếp tục là một chủ đề quan trọng trong bài phát biểu của Tổng thống Trump khi ông tham dự hội nghị APEC tại Việt Nam cuối tuần này, được kỳ vọng hé lộ nhiều hơn về chính sách của chính quyền Mỹ mới với khu vực.