Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc sau khi Thủ tướng có chỉ đạo các cơ quan quản lý không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế trên thị trường chứng khoán. Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, đây là việc làm cần thiết nhằm bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư hay doanh nghiệp đã có những sai phạm.
Cụ thể, sau khi Thủ tướng có chỉ đạo, Bộ Tài chính đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và khẳng định nhiều tin đồn thất thiệt không phải do cơ quan chức năng đưa ra đã khiến thị trường chứng khoán biến động mạnh và sụt giảm.
Doanh nghiệp, cá nhân sai phạm được tạo điều kiện để khắc phục hậu quả
Theo Bộ trưởng Phớc, những diễn biến gần đây là điều đáng tiếc. Theo đó, Bộ Tài chính luôn đưa ra chính sách để bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư, doanh nghiệp đã có sai phạm cũng được tạo điều kiện để khắc phục và ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo quyền lợi cho cổ đông và việc làm cho người lao động.
Trong cuộc họp với NHNN, Bộ Công an, Bộ Tài chính đã đưa ra các giải pháp nhằm ổn định thị trường vốn, thị trường tài chính và chứng khoán, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế.
“Chúng tôi thống nhất sẽ không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Những sự việc vừa qua là tiếng chuông cảnh tỉnh để thị trường quay trở lại hoạt động ổn định, đảm bảo việc kinh doanh lành mạnh, bình đẳng trên thị trường”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết thêm nhà đầu tư khi tham gia thị trường cần có sự lựa chọn, cân nhắc và chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình. Với các nhà phát hành, Bộ yêu cầu phải thực hiện đúng quy định pháp luật, tránh thao túng giá trên thị trường. Với các công ty kiểm toán, Bộ yêu cầu đảm bảo báo cáo kiểm toán đúng và chính xác nhất.
Bộ trưởng Tài chính cho biết cơ quan quản lý sẽ tạo điều kiện để nhà đầu tư, cá nhân có sai phạm thời gian qua được khắc phục hậu quả và phục hồi sản xuất kinh doanh. Ảnh: Việt Linh. |
Theo Bộ trưởng Phớc, việc xử lý các vi phạm là cá biệt và riêng lẻ, đây là hành động nhằm bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp phát hành. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ giám sát chặt chẽ quá trình phát hành cũng như giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp phát hiện bất cập và rủi ro sẽ tổ chức thanh, kiểm tra và xử lý theo đúng quy định pháp luật”, Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh.
Chia sẻ về những sai phạm trên thị trường chứng khoán và trái phiếu gần đây, Bộ trưởng Tài chính cho biết thị trường chứng khoán và các hoạt động kinh tế phải tuân theo quy luật khách quan của thị trường, nhưng cũng cần có giải pháp để phòng ngừa, ngăn chặn các mặt trái của quy luật thị trường như các hành động lách luật.
Việc thị trường tăng giảm là do quy luật của thị trường, tuân theo cung cầu của người mua, người bán. Cơ quan quản lý cần tạo ra sân chơi bình đẳng để thị trường hoạt động minh bạch. Bộ Tài chính sẽ bám sát theo quy định của pháp luật để ngăn ngừa sai phạm và xử lý sai phạm.
Phát triển thị trường vốn hiệu quả
Chia sẻ tại hội nghị về phát triển thị trường vốn ngày 22/4, TS Cấn Văn Lực cho rằng những sự cố gần đây trên thị trường chứng khoán và trái phiếu gần đây là cơ hội để chấn chỉnh, lành mạnh hóa thị trường, củng cố niềm tin nhà đầu tư.
Hiện tại, nhu cầu vốn, đặc biệt là vốn trung, dài hạn của nền kinh tế vẫn rất lớn. Trong đó, giai đoạn 2022-2025, Việt Nam dự kiến cần 3,15 triệu tỷ đồng/năm vốn đầu tư toàn xã hội (vốn khu vực Nhà nước đáp ứng 25-27%, còn lại cần huy động vốn tư nhân và vốn khác).
Ngoài vốn tín dụng ngân hàng, thị trường trong nước cần huy động 700.000 tỷ đến 1 triệu tỷ đồng mỗi năm giai đoạn này từ nguồn vốn khác
Tuy nhiên, bối cảnh này cũng đặt ra một số rủi ro, thách thức với thị trường và cơ quan quản lý như triển vọng phục hồi kinh tế còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; rủi ro nợ xấu tăng; tiến trình cơ cấu lại còn chậm, nhất là doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức tín dụng yếu kém; thị trường tài chính phát triển nhanh nhưng còn thiếu tính ổn định…
QUY MÔ PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP GẦN ĐÂY | ||||||
Nguồn: VCBS; HNX; ADB; Viện ĐTNC BIDV | ||||||
Nhãn | 2017 | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | |
Quy mô phát hành TPDN | tỷ đồng | 113000 | 155000 | 325000 | 463000 | 657000 |
Tốc độ tăng trưởng | % | 0 | 37 | 110 | 42 | 42 |
Theo vị chuyên gia, nguyên nhân khiến những tồn tại, rủi ro này vẫn hiện hữu là thị trường còn khá non trẻ, thiếu tính công khai, minh bạch, chuyên nghiệp. Trong khi đó, nền tảng nhà đầu tư chưa đa dạng, ít nhà đầu tư chuyên nghiệp thực sự và chủ thể phát hành chưa tính dài hơi, bài bản, vẫn còn tình trạng lách luật…
Cũng tại hội nghị này, lãnh đạo NHNN cho biết các tổ chức tín dụng đang tham gia thị trường vốn với nhiều vai trò khác nhau như nhà đầu tư; nhà phát hành; đơn vị cung cấp tín dụng đầu tư, kinh doanh chứng khoán.
Tuy nhiên, NHNN đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngân hàng kiểm soát chặt chẽ việc cấp tín dụng đối với mục đích đầu tư, kinh doanh chứng khoán; quy định hệ số rủi ro đối với các khoản vay đầu tư kinh doanh chứng khoán là 150%; quy định kiểm soát cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp…
Ngoài ra, cơ quan quản lý tiền tệ cũng đã ban hành lộ trình giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn để hạn chế phân bổ vốn tín dụng vào lĩnh vực đầu tư kinh doanh chứng khoán dài hạn.
Bên cạnh đó, các ngân hàng chỉ được cấp tín dụng 1 năm cho khách hàng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp và khi cấp tín dụng phải đáp ứng một số điều kiện nhất định. Ngân hàng cũng không được cấp tín dụng cho khách hàng là công ty con, công ty liên kết để đầu tư cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp...
Với các biện pháp này, hiện dư nợ tín dụng đối với khách hàng để đầu tư, kinh doanh chứng khoán chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.