Bộ Tài chính đưa ra một loạt giải pháp nhằm ổn định mặt bằng giá cả hàng hóa trong bối cảnh chính sách tiền lương mới có hiệu lực từ 1/7. Ảnh: Phương Lâm. |
Bộ Tài chính vừa có báo cáo về một số vấn đề liên quan lĩnh vực quản lý trong tháng 6. Một trong những nội dung được dư luận, xã hội quan tâm thời gian qua là từ ngày 1/7, lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu/tháng, lương hưu tăng 15%, lương tối thiểu vùng cũng tăng 200.000-280.000 đồng tùy vùng.
Để việc tăng lương diễn ra thực chất, vấn đề đặt ra là cần có giải pháp để điều hành giá hợp lý, tránh tính trạng tăng lương nhưng giá cả thị trường tăng theo.
Chia sẻ về nội dung này, Bộ Tài chính cho biết để thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp.
Trong đó, nội dung trọng tâm là đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng chiến lược; chuẩn bị sớm phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt; theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp phù hợp...
Với các biện pháp trên, trong nửa đầu năm, Bộ Tài chính cho biết mặt bằng giá hàng hóa diễn biến tương đối ổn định ở các tháng sau Tết. Bình quân 5 tháng đầu năm, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy vậy, để ổn định giá cả thị trường từ nay tới cuối năm, nhất là sau thông tin về việc cải cách tiền lương, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu các giải pháp chủ động ứng phó với những biến động của thị trường.
Trong đó, cơ quan quản lý tài khóa cho biết sẽ tập trung giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường, các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành phù hợp, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá.
“Đặc biệt, điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế”, Bộ Tài chính thông tin.
Bộ Tài chính cũng đề xuất các Bộ, ngành, địa phương chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, đánh giá kỹ tác động để thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức điều chỉnh phù hợp với diễn biến thị trường.
Trong đó, chú trọng theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp; sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định. Cập nhật sát tình hình cung cầu trong nước để có chỉ đạo dự phòng tại địa phương đảm bảo cân đối cung cầu, tránh tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Đối với các mặt hàng Nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường như điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi sát các phương án, lộ trình giá do các Bộ Xây dựng, đề xuất để cập nhật kịch bản lạm phát làm cơ sở tham mưu.
Đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá xăng dầu theo quy định, bám sát diễn biến giá thế giới và phối hợp tham gia ý kiến góp ý để hoàn thiện cơ chế quản lý giá xăng dầu.
Đồng thời tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những điểm còn hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Tri Thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.