Nội dung trên được ông Phan Trung Tuấn, Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, cho biết tại họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ chiều 26/12. Tại đây, việc nghiên cứu mô hình thị trưởng cho các đô thị là vấn đề được cơ quan báo chí đặt câu hỏi.
Theo ông Tuấn, tại hội nghị Đô thị toàn quốc vào cuối tháng 11, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thanh Trà đã đề cập đến nội dung nghiên cứu mô hình thị trưởng khi tổ chức chính quyền đô thị.
"Chúng tôi hiểu quan điểm của Bộ trưởng là cải cách đổi mới và tìm ra mô hình hiệu quả trong quản trị đô thị. Trong khi đó, một số địa phương vẫn đang thí điểm cải cách chính quyền đô thị như Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho biết Vụ Chính quyền địa phương sẽ tham mưu Bộ Nội vụ để sơ kết thực hiện thí điểm cải cách chính quyền đô thị, sau đó cân nhắc kỹ lưỡng để đề xuất cấp có thẩm quyền xây dựng lộ trình tiếp theo.
Liên quan mô hình thị trưởng và mô hình tòa thị chính, ông Tuấn cho rằng việc này liên quan đến thể chế hoạt động. Mô hình này đã được các nước áp dụng từ lâu, kể cả với các nước có cùng thể chế chính trị tương đồng Việt Nam như Trung Quốc, Lào.
"Thời gian tới, Vụ Chính quyền địa phương phối hợp với Viện Nghiên cứu thiết kế đô thị để nghiên cứu dần mô hình này. Việc nghiên cứu sẽ được thực hiện sau khi sơ kết mô hình cải cách chính quyền đô thị 3 thành phố, đồng thời sẽ nghiên cứu cả kinh nghiệm thế giới", ông Tuấn nói.
Nói thêm về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết mô hình thị trưởng được nhiều nước áp dụng, nhưng cần cân nhắc thêm để phù hợp với yếu tố văn hóa, nền tảng xã hội của mỗi quốc gia.
"Việc này cần được nghiên cứu rất kỹ lưỡng, Bộ trưởng sẽ đặt hàng các nhà khoa học để nghiên cứu, làm rõ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn của đề xuất, chứ không phải giờ các nước làm hết rồi thì mình phải làm theo. Đặc biệt, mô hình này khi đề xuất thực hiện cần có sự đồng thuận của người dân", ông Thăng nói.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chủ trì họp báo chiều 26/12. Ảnh: Mỹ Hà. |
Liên quan đến đề xuất thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, ông Vũ Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Biên chế, cho biết nội dung này liên quan đến đề xuất của TP.HCM về việc thực hiện thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù.
Theo ông Nam, cơ quan chức năng của TP.HCM được giao phối hợp với Bộ Nội vụ để xác định mô hình quản lý tập trung nhất trong lĩnh vực an toàn thực phẩm do đây là lĩnh vực liên quan đến 3 bộ và 3 sở.
"Thành phố đang thực hiện mô hình thí điểm về Ban An toàn thực phẩm và ban được đánh giá đã xây dựng quy chế phối hợp tốt với các sở, ngành. Dựa trên đề án mà TP.HCM xây dựng, Bộ Nội vụ sẽ xem xét đề xuất mô hình hợp lý nhất để quản lý lĩnh vực này", ông Nam cho biết.
Cũng liên quan đến TP.HCM, nhưng ở góc độ tổ chức cán bộ, biên chế, ông Nam cho biết qua quá trình phát triển kinh tế và yêu cầu nguồn nhân lực lớn để đáp ứng khối lượng công việc, địa phương này tồn tại thực trạng sử dụng số lượng biên chế vượt so với số lượng mà Trung ương giao.
Theo đó, Bộ Nội vụ đã có buổi làm việc để báo cáo Bộ Chính trị và thống nhất một số nội dung liên quan đến việc trên. Tinh thần chung là tạo điều kiện tốt nhất cho TP.HCM có đủ nhân lực để phát triển, do đây là địa bàn trọng tâm, đóng góp lớn cho tỷ trọng GDP của cả nước.
Sách hay về đô thị
Bốn thành phố biến mất - nhà báo nổi tiếng về mảng khoa học Annalee Newitz đưa độc giả bước vào một cuộc phiêu lưu đầy thú vị và cuốn hút khi tìm hiểu lịch sử của cuộc sống đô thị. Tác giả khám phá sự ra đời, phát triển, rồi sụp đổ của bốn thành phố cổ đại, trong đó, mỗi thành phố là trung tâm của một nền văn minh phát triển rực rỡ.
Gia Định là nhớ, Sài Gòn là thương như những thước phim ký ức quay chậm đưa độc giả về lại với một Sài Gòn của những địa danh Hồ Con Rùa, chợ Bến Thành... và một Gia Định xa xưa của thời lưu dân mở cõi hơn 300 năm trước.