Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phát triển đô thị vệ tinh để giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn

Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng cần có cơ chế để hướng tới hình thành, phát triển hệ thống đô thị vệ tinh nhằm giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn.

Sáng 30/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị đô thị toàn quốc phổ biến Nghị quyết 148 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 06 của Bộ Chính trị về "Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh đây là hội nghị quan trọng, mang nhiều ý nghĩa, nhằm tiếp tục quán triệt sâu rộng những nội dung, nhiệm vụ trọng tâm và tinh thần quan trọng của Nghị quyết số 06 và phổ biến Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết này, xác định trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong tổ chức thực hiện.

Trong thực hiện, người đứng đầu Chính phủ lưu ý cần phối hợp chặt chẽ, xây dựng chương trình, kế hoạch cho từng cấp, từng ngành.

xay do thi ve tinh anh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đoàn Bắc.

“Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển đô thị là một động lực phát triển. Điều này đặt ra vấn đề quy hoạch tốt, xây dựng tốt, quản lý tốt đô thị, phát triển đô thị theo hướng xanh, bền vững, bao trùm”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng cần xác định rõ khâu quyết định và tạo nên sự đột phá, thúc đẩy đô thị hóa và phát triển đô thị hiệu quả, bền vững, trước hết là công tác quy hoạch đô thị.

Ông cũng lưu ý việc nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và tổ chức quản lý có hiệu quả công tác quy hoạch trong quá trình phát triển đô thị; ứng dụng công nghệ số, nền tảng số, thúc đẩy chuyển đổi số trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.

Bên cạnh việc phát triển từng đô thị, phải chú trọng đến phát triển hệ thống đô thị bền vững và đồng bộ về mạng lưới để nâng cao hiệu quả chung của các đô thị.

Ông Tuấn Anh nhấn mạnh quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần phù hợp, đồng bộ với Quy hoạch tổng thể quốc gia. Đặc biệt, gắn kết với 4 vùng động lực quốc gia trọng yếu và hệ thống các hành lang kinh tế Bắc - Nam và Đông Tây để nâng cao hiệu quả chung của hệ thống đô thị quốc gia.

xay do thi ve tinh anh 2

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Đoàn Bắc.

“Yêu cầu về việc hình thành, phát triển các mô hình hệ thống đô thị mới có khả năng chống chịu thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển hệ thống đô thị vệ tinh để giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn… cũng là những vấn đề cần có cơ chế phù hợp thực tiễn”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương nói.

Ngoài ra, ông cho rằng phát huy, khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị và nguồn lực từ xã hội cho phát triển đô thị, chú trọng phát triển kinh tế đô thị trở thành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, việc nghiên cứu sắp xếp, sáp nhập, thành lập mới đơn vị hành chính đô thị nhưng vẫn bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ phù hợp với quy hoạch và yêu cầu phát triển là vấn đề mà chính quyền các cấp đang trăn trở. Các địa phương cũng đang nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp phù hợp với đặc thù của từng nơi.

Về phát triển kinh tế đô thị, Nghị quyết 06 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế đô thị đóng góp vào GDP cả nước khoảng 75%, đến năm 2030 đạt khoảng 85%; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP của các đô thị trực thuộc Trung ương đạt bình quân 25-30% vào năm 2025, 35-40% vào năm 2030.

Những cuốn sách hay về đô thị, thắng cảnh Việt Nam

Hồn đô thị gồm 30 bài tùy bút được tuyển chọn từ bộ sách Sài Gòn - Chuyện đời của phố (5 tập) đã được xuất bản trong khoảng thời gian từ 2014 - 2018. Bộ sách đến nay đã được tái bản 5 lần.

Đất nước gấm hoa không đơn thuần là một atlas địa lý, mà như một cẩm nang hình ảnh sinh động, cô đọng về thông tin khi đề cập đến 63 tỉnh thành Việt Nam.

Gợi mở về 3 câu hỏi để phát triển Đồng bằng sông Hồng tầm nhìn 2045

Đến năm 2045, đồng bằng sông Hồng sẽ là vùng phát triển hiện đại, có một số trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm