Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII. Ảnh: Nguyên Phúc. |
Nghị quyết 29 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 17/11.
Nghị quyết nêu rõ thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần có lộ trình và bước đi cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, ưu tiên nguồn lực, có cơ chế, chính sách đột phá, phù hợp để phát triển các cực tăng trưởng, ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên và các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao.
Về chỉ tiêu cụ thể đến 2030, Trung ương nêu rõ tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người khoảng 7.500 USD; thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN về năng lực cạnh tranh công nghiệp; tỷ trọng của khu vực dịch vụ đạt trên 50% GDP.
Cùng với đó, Trung ương đưa ra mục tiêu hình thành được một số tập đoàn, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế; xây dựng và phát triển được một số cụm liên kết ngành công nghiệp trong nước có quy mô lớn, có năng lực cạnh tranh quốc tế; làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp.
Trung ương cũng xác định tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á.
Để thực hiện các mục tiêu này, Trung ương yêu cầu nghiên cứu hình thành quỹ phát triển hạ tầng; ban hành cơ chế, chính sách phù hợp về đền bù, hỗ trợ tái định cư, thu hồi đất phục vụ cho các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng cấp quốc gia, cấp vùng.
Bên cạnh đó, hoàn thiện các tiêu chí về đầu tư để lựa chọn, ưu tiên thu hút đầu tư; có cơ chế, chính sách ưu đãi vượt trội, cạnh tranh quốc tế tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi thu hút các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, dự án công nghệ cao, thu hút FDI từ các đối tác thuộc các nước phát triển.
Với giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, Trung ương nhấn mạnh cần ưu tiên phát triển một số công trình hạ tầng trọng điểm quốc gia và vùng về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu, năng lượng, hạ tầng số, các công trình hạ tầng xã hội về y tế, giáo dục của vùng.
Mục tiêu phát triển hệ thống đường bộ cao tốc đạt mục tiêu 5.000 km vào năm 2030 cũng được Trung ương nhấn mạnh. Cùng với đó là phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt có trọng tâm, trọng điểm; tập trung cải tạo, nâng cấp để tiếp tục khai thác có hiệu quả các tuyến đường sắt hiện có; nghiên cứu, sớm đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố khác…
Ngoài ra, Trung ương khuyến khích phát triển mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, nhất là tại các đô thị, vùng đô thị có mật độ dân số cao.
Liên quan đến chính sách tài chính, Trung ương yêu cầu đa dạng hoá các hình thức huy động và sử dụng nguồn lực; thúc đẩy xã hội hóa, thu hút mạnh mẽ nguồn lực đầu tư ngoài Nhà nước.
Bên cạnh đó, đẩy nhanh cơ cấu lại thị trường tài chính, tiền tệ đáp ứng yêu cầu huy động và sử dụng vốn có hiệu quả; phát triển thị trường chứng khoán bền vững, trở thành kênh huy động quan trọng vốn trung và dài hạn cho thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Những cuốn sách hay về đô thị Hà Nội
Hà Nội chuyện xưa phố cũ gồm 39 đoản văn biên khảo về các hoạt động ở Hà Nội giữa thế kỷ XX trở về trước, từ chuyện phố xá, quy hoạch, đến chuyện ăn, chuyện mặc,... của người Hà thành.
Mùa đi qua phố - bạn đọc sẽ rung động theo những cảm nhận riêng, đôi khi rất khác nhau về Hà Nội trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.