Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ não có lừa dối chúng ta?

“Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy” đưa bạn đọc vào tận sâu trong tâm trí của mình, đối diện bản ngã của chính mình và chấp nhận sự thật rằng chúng ta không hề nhìn sự vật như nó vốn có.

Sau thành công của cuốn sách đầu tay Bạn không thông minh lắm đâu, tác giả David McRaney tiếp tục viết cuốn sách Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy, với mục đích giúp con người nhận ra mình đã bị bộ não đánh lừa như thế nào.

Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy là bộ sưu tập gồm một số ảo tưởng thú vị được phát hiện từ trước đến nay.

Cuốn sách gồm 17 chương, mỗi chương viết về một vấn đề tâm lý mà con người luôn lầm tưởng. David rất khéo léo khi lồng ghép những câu chuyện thực tế hóm hỉnh với những phân tích tâm lý vô cùng tinh tế tạo nên một chuyến thám hiểm tuyệt vời.

Ban do ngu ngo roi day anh 1

Sách Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy. Ảnh: ReadBooks.

Cuốn sách đem đến những câu chuyện thú vị về não bộ của con người, với đầy đủ những “mánh khóe” như bịa chuyện, ngụy biện dựa vào niềm tin phổ biến, ngụy biện về nhân quả hay hiệu ứng ánh hào quang.

Ví dụ như trong chương Hiệu ứng hào quang, tác giả viết: “Bạn vẫn tưởng: Bạn có khả năng đánh giá những đặc điểm riêng của con người một cách khách quan. Sự thật là: Bạn đưa ra nhận định về từng đặc điểm riêng của một người dựa vào cái nhìn tổng quan về tính cách và bản ngã của họ”.

Theo tác giả, có nhiều điều chúng ta đang ảo tưởng. Sự thật là bộ não con người tạo ra một trí óc đầy thiếu sót. Có những việc ta làm chẳng giỏi và sẽ chẳng bao giờ thành thạo được.

Bằng chứng cho sự vụng về của con người ở khắp nơi. Máy tính, giấy nhớ, danh sách việc cần làm, số kỹ quỹ, đồng hồ báo thức - có hàng trăm nghìn sáng chế và ứng dụng được tạo ra cùng hàng loạt các ngành nghiên cứu tồn tại để bù đắp cho những khiếm khuyết của não bộ.

Trong cuốn sách này, độc giả được giới thiệu một về một vài khiếm khuyết trong tâm trí của con người, cách mà bộ não vẫn nói dối ta, cách mà nó ăn gian, biến đối và bẻ cong thực tế. Giải thích lý do con người vẫn cứ cho chân vào những cái bẫy đó hết lần này đến lần khác.

David lập luận rằng con người thường không nắm rõ nguồn gốc của cảm xúc, hành vi và ký ức của mình. Nhưng thay vì hoảng loạn và sợ hãi, ta lại sở hữu một bộ đồ nghề khổng lồ gồm vô số mẹo vặt và các kỹ năng.

Nhờ chúng, con người sáng tạo ra những bối cảnh giúp cuộc sống dễ chịu hơn, và tin vào những bối cảnh mình vừa phát minh. Từ năm nay qua năm khác, những điều đó trở thành cuộc đời ta.

Tác giả chỉ ra rằng một trong số những dụng cụ này là sự tự nghiệm. Sự tự nghiệm là công cụ biến những ý tưởng lớn và phức tạp thành những ý nhỏ, dễ xử lý hơn.

Khi cần giải quyết vấn đề và ra quyết định, con người có nhiều công cụ tự nghiệm khác nhau để biến những thứ phức tạp trở thành vô cùng đơn giản.

Ví dụ, bạn sử dụng sự tự nghiệm cảm xúc để đưa ra các quyết định xoay quanh việc một người, một vấn đề hay tình huống mang tới cho bạn cảm xúc tiêu cực hay tích cực.

Khi đọc cuốn sách này, người đọc có thể nhận biết được những sự ảo tưởng của tâm lý con người đối với cuộc đời. Nó có thể giúp bạn cảm thấy kết nối hơn với cộng đồng. Mỗi người có thể sử dụng những ý tưởng, bài học và kinh nghiệm trong cuốn sách này để mở lòng hơn với người khác.

Tác giả David McRaney từng là phóng viên, nhân viên truyền thông, viết quảng cáo cho hãng Heineken và tham gia sản xuất các chương trình truyền hình.

Với niềm đam mê tâm lý học, ông đã nghiên cứu, tổng hợp và đem đến cho người đọc nhiều thông tin thú vị ẩn sâu trong bộ não con người thông qua trang blog You are not so smart (Bạn không thông minh lắm đâu).

‘Bạn không thông minh lắm đâu’: Lật tẩy những ảo tưởng của con người

"Bạn không thông minh lắm đâu" là một cuốn sách minh họa đầy hài hước về những điều mà bạn-vẫn-tưởng, nhưng sự thật phũ phàng lại không phải như vậy.

Thủy Thủy

Bạn có thể quan tâm