Cho dù bạn có đang chọn mua smartphone hay đang quyết định xem nên tin theo chính trị gia nào, thì bạn cũng luôn tự cho mình là một cá thể đầy lý trí. Tất cả mọi suy nghĩ hành động của bạn đều dựa trên những luận điểm rõ ràng, logic và trung lập.
Sách Bạn không thông minh lắm đâu. Ảnh: Tâm lý học ứng dụng. |
Nhưng cuốn sách đã chỉ ra rằng, bạn cũng chỉ là một kẻ hay tự dối mình như tất cả những người khác, và điều đó cũng không có gì đáng sợ, bởi ảo tưởng là một phần của bản chất con người.
Ảo tưởng bắt nguồn từ thiên kiến và ngụy biện
Ba chủ đề chính được tác giả trình bày trong Bạn không thông minh lắm đâu là thiên kiến nhận thức, sự tự nghiệm và những phương pháp ngụy biện. Theo tác giả, đây là những thành phần cấu tạo nên tâm trí của bạn, giống như các bộ phận trong cơ thể vậy.
Thiên kiến nhận thức (Cognitive biases) là những khuôn mẫu suy nghĩ và hành xử thường dẫn bạn tới kết luận sai lầm.
Khi chào đời, bạn, cũng như mọi người, đã phải bước vào một thế giới đã lập sẵn những phương cách nhận thức đầy sai lệch này, và chẳng mấy ai nhận ra chúng.
Theo tác giả cuốn sách, bạn có xu hướng tìm kiếm những thông tin củng cố niềm tin nào đó của bản thân, trong khi lại thường lơ đi những thông tin trái ngược với nó. Những quyển sách bạn đang có trên kệ và những trang bạn đánh dấu trên trình duyệt cá nhân là hệ quả trực tiếp của thiên kiến này.
Bạn tưởng bạn thông minh, nhưng đó có khi chỉ là ảo tưởng thôi. Ảnh minh họa. |
Sự tự nghiệm (Heuristics) là những con đường tắt trong tâm trí mà bạn sử dụng để giải quyết các vấn đề thường gặp trong cuộc sống. Chúng giúp tăng tốc xử lý của não bộ, nhưng đôi lúc khiến bạn nghĩ quá nhanh và bỏ qua những chi tiết quan trọng.
Một số sự tự nghiệm là học được, số khác lại được cài đặt sẵn trong mỗi phiên bản não bộ của con người. Khi sử dụng đúng cách thì chúng giúp tâm trí của chúng ta được thảnh thơi và hoạt động hiệu quả hơn. Nhưng có những lúc chúng lại khiến ta nhìn cuộc sống một cách quá đơn giản.
Cuốn sách dẫn ra một ví dụ về tình huống khi bạn thấy số lượng các bài báo về việc cá mập tấn công người bỗng tăng đột biến, bạn sẽ có xu hướng tin rằng có điều gì đó đang kích thích lũ cá mập và khiến chúng cắn người nhiều hơn. Mặc dù điều duy nhất mà bạn thực sự biết chỉ đơn giản là các hãng thông tấn đang đưa tin về vấn đề này nhiều hơn bình thường.
Ngụy biện (Logical fallacies) giống như việc giải một bài toán sử dụng ngôn từ và bạn bỏ qua một vài bước quan trọng, hoặc là bị mắc bẫy mà không biết.
Chúng là những lý lẽ bạn tự đưa ra trong tâm trí để dẫn tới một kết luận khi không biết hết những thông tin liên quan đến vấn đề. Có thể do bạn đã không để ý và bỏ qua những thông tin đó hoặc bạn không nhận thức được sự hạn chế của lượng thông tin nắm trong tay.
Qua mỗi chủ đề của cuốn sách này, bạn sẽ có được những cách nhìn nhận mới về bản thân. Thật thú vị, nhưng dần dần bạn sẽ nhận thấy rằng bạn chẳng thông minh như bạn vẫn tưởng.
Không thông minh chẳng có gì đáng sợ
Cuốn sách gợi mở cho độc giả thấy nguồn gốc của mọi quyết định, suy nghĩ, cảm xúc hóa ra lại đến từ nơi chẳng ai ngờ tới. Những bộ óc đã qua hàng triệu năm tiến hóa của con người đã thực hiện thành công một nhiệm vụ duy nhất: Bịa ra những câu chuyện, giả vờ là chúng ta đủ thông minh để hiểu hết mọi việc. Bạn sẽ được làm quen với những “công cụ” mà bộ não sử dụng như: Sự bất lực tự luyện, sự bán rẻ hay ảo giác về sự minh bạch...
Bởi thế, độc giả sẽ dần nhận thấy rằng, việc không thông minh cũng chẳng có gì đáng sợ lắm.
Tác giả David Mcraney. Ảnh: Wmespeaker. |
Một cuốn sách đầy những lập luận khiêu khích tất cả niềm tin của độc giả, cởi bỏ lớp ảo tưởng mà mỗi người đều luôn tự nguyện mang vác, chỉ vì khao khát định vị bản thân.
Cuốn sách “đã chỉ cho chúng ta thấy những điểm mù và những nhận định chủ quan lẩn khuất trong cuộc sống hàng ngày, đồng thời, nó cũng giải thích những hành vi phức tạp của chúng ta bằng sự hài hước sâu sắc” (Hufington Post).
Bởi những điều biết được từ cuốn sách này, bạn sẽ có những phản tỉnh sáng suốt hơn về bản thân, thấu hiểu hơn bản thân, và biết đâu vì thế cuộc sống trong xã hội hiện đại đầy ảo tưởng này trở nên dễ chịu hơn nhiều.
David Mcraney là phóng viên, nhân viên truyền thông, từng viết quảng cáo cho Heineken và tham gia sản xuất các chương trình truyền hình. Với niềm đam mê tâm lý học, ông đã nghiên cứu, tổng hợp và đem đến cho người đọc nhiều thông tin thú vị ẩn sâu trong bộ não con người thông qua trang blog You are not so smart (Bạn không thông minh lắm đâu).
Bạn không thông minh lắm đâu được dịch ra 14 thứ tiếng và nhanh chóng trở thành cuốn sách bán chạy trên toàn thế giới. David hiện sống cùng vợ là Amanda McRaney và chú mèo Simon ở Missisippi, Mỹ.