Vô cùng tàn nhẫn, vô cùng yêu thương đã trở thành cuốn sách giáo dục con thu hút sự chú ý của phụ huynh. Với triết lý giáo dục “tàn nhẫn nhưng yêu thương”, tác giả Sara Imes đã truyền cảm hứng đến hàng triệu cha mẹ.
Được sự đồng ý của Alphabooks, Zing xin trích đăng một phần nội dung cuốn sách.
Kỷ niệm vui vẻ nhất trong ký ức tuổi thơ của tôi là được cha đưa đến lãnh sự quán Liên Xô để xem phim. Ngoài ra, điều tôi mong chờ nhất là “ngày đi chợ” vào chủ nhật hàng tuần.
Sinh nhật thứ 10 của tôi, cha bảo: “Sara, hôm nay là sinh nhật con, cha đưa con đi chợ mua thức ăn nhé!”. Lúc đó, cha con tôi vẫn sống trong gian phòng cạnh khu vườn, có tài xế, bảo mẫu và đầu bếp, việc đi chợ mua thức ăn chẳng cần đến lượt tôi.
Nhưng dường như, cha luôn cảm thấy rằng ông sẽ không thể sống tới ngày sinh nhật thứ 12 của tôi nên hôm đó dù huyết áp rất cao, cha uống thuốc hạ huyết áp và chống gậy dẫn tôi đi mua thức ăn.
Tuy là đàn ông, cha lại rất thích tự mình đi mua sắm. Không những vậy, ông còn vừa chọn đồ vừa nhận xét: “Đúng là rẻ thật, lại còn tươi nữa”.
Đối với tôi, đi chợ không chỉ là thời gian hạnh phúc theo kiểu “ếch ra khỏi đáy giếng”, mà còn là khi được nhìn thấy đủ loại rau quả thịt cá, và tuyệt vời hơn cả là cha luôn dặn tôi nên mua những gì trước khi đi, yêu cầu tôi viết một danh sách mua sắm - công việc này khiến tôi cảm thấy rất hào hứng.
Với những nét bút nguệch ngoạc, tôi viết ra một danh sách: Dưa chuột, rau xanh, cá, tỏi, hành tây… Thứ lần nào cũng bắt buộc phải mua là dưa chuột.
Cuộc đời giống như khu chợ, chúng ta phải học cách so sánh
Lúc đó, cha đã 70 tuổi, còn tôi mới lên 10. Ông xách theo chiếc giỏ to bện bằng rơm, còn tôi mang chiếc giỏ nhỏ để đựng trứng. Ngay khi bước vào chợ, tôi nhìn thấy những sạp rau tươi, sọt ớt màu sắc rực rỡ và cả những thúng cà chua đỏ chót. Tôi hào hứng giục: “Cha ơi, mua đi, mua ở đây đi”.
Nhưng cha chẳng hề “nghe lời”. Ông không mua ngay lập tức, chỉ xách giỏ rau và chậm rãi dắt tôi dạo qua các gian hàng. Tôi thấy rất lạ, cứ hỏi cha tại sao không mua luôn.
Lúc này, cha mới quay sang giải thích: “Cuộc đời cũng giống như phiên chợ, không nên mua ngay thứ mà mình nhìn thấy đầu tiên, con phải tiếp tục để xem những quầy hàng khác, con phải học cách so sánh”.
Vì vậy, chúng tôi tiếp tục đến một quầy hàng khác. Tôi thấy cà chua ở gian hàng này còn to và đỏ hơn những quầy ngoài kia, trông thật hấp dẫn.
Cha tôi nói: “Nào con gái, bây giờ có thể mua rồi đấy”. Khi tôi lựa quả, cha đứng bên cạnh dặn dò: “Con phải thật chú ý, nhẹ nhàng cầm lên chứ đừng quăng ném nhé!”
Cha còn nói rằng: “Sau khi đi hết khu chợ này (đường đời), con sẽ không quay trở lại lối vào ban đầu. Cuộc sống từ khi bước vào cho đến lúc đi ra, sẽ là những ngả đường khác nhau, vì vậy con cần phải quan sát và chờ đợi thật cẩn trọng”.
Mọi điều cha dạy tôi đều là những triết lý hết sức hữu ích trong cuộc sống.
Không gian chính là cơ hội
Khi đó, chỉ mất ba tệ là có thể mua một giỏ đầy thức ăn. Nhân dịp này, cha dạy tôi: “Chiếc giỏ này là để đựng đồ, hay còn gọi là ‘vật chứa’, và nó sẽ không thể nới rộng hơn, chỉ là một ‘vật chứa’ theo quy ước mà thôi. Cũng giống như thời gian vậy, một ngày chỉ có 24 giờ, không ngắn hơn và cũng chẳng dài hơn”.
Cha nói tiếp: “Nếu không có sự so sánh thì khi đến hàng ớt đầu tiên con sẽ cảm thấy hàng này bán ớt rất ngon, nhưng khi đi tiếp, con lại phát hiện ớt ở hàng khác còn tuyệt hơn nữa. Thế nhưng, giỏ đã đầy mất rồi, liệu con có đựng được thêm ớt nữa không?” Tôi đáp: “Không ạ”.
Vậy là cha không chỉ dạy tôi cách so sánh giá cả và chất lượng, ông còn dạy tôi một bài học rất quan trọng trong cuộc sống - không gian chính là cơ hội, chi phí cũng là cơ hội. Khi bỏ ra chi phí để mua một món đồ, có nghĩa là chúng ta đã từ bỏ các cơ hội khác.
Cuộc sống cũng tương tự như vậy, mỗi chúng ta đều cần không gian. Nếu mỗi người chỉ chăm chăm lấp đầy cuộc sống của mình, họ sẽ không còn không gian để tìm kiếm cuộc sống mà mình mong muốn nữa.
Khi dẫn tôi đi mua gà, cha nói rõ với người bán hàng rằng muốn một con gà mái khoảng ba cân, sau đó ông trả tiền rồi đi. Cha nói với tôi: “Mỗi khi con cần một thứ gì đó, với tiền đề là liệu còn ‘chỗ trống’ để lựa chọn hay không, con bắt buộc phải nói rõ cho người khác biết những gì con muốn, chứ không phải là ‘thế nào cũng được’”.
Cố tình mua một số thực phẩm kém chất lượng
Cha không bao giờ vội vã mua thức ăn mà luôn chậm rãi lựa chọn, nhưng cuối cùng cha sẽ cố tình mua một số thực phẩm kém chất lượng. Điều này thật kỳ lạ.
Tôi hỏi tại sao lại làm vậy, cha mỉm cười: “Nếu như ai cũng chọn hết phần tốt, vậy thì những phần không tốt sẽ bán cho ai?”.
Điều đó có nghĩa chúng ta cần phải bao dung với khuyết điểm của bản thân và của cả người khác. Đó cũng là lý do sau này khi dạy con, tôi sẽ yêu cầu chúng “trước tiên hãy chọn một quả lê bị hỏng”.
Chúng ta phải hỗ trợ những người bán hàng rong xử lý các loại rau củ quả bị hỏng, sau đó mới chọn tới những loại tươi ngon. Đây chính là triết lý mà cha tôi đã dạy.
Chọn mua hành tại quầy hàng ở cửa chợ
Cha không bao giờ mặc cả với những người bán hàng rong, cũng không bao giờ cư xử như các bà nội trợ, kiểu mua xong rau lại xin thêm một ít hành.
Thay vào đó, lần nào, ông cũng sẽ mua thêm một vài củ hành ở ngoài cổng chợ. Tôi thắc mắc: “Cha ơi, trong chợ nhiều chỗ bán hành lắm, sao cha không mua mà lại mua ở ngoài này ạ?”.
Ông đáp lời: “Phía trong chợ là những quầy sạp chính thống, buôn bán ổn thỏa, nhưng những người bán rau ngoài này cũng cần phải kiếm sống, dù không có gian hàng nhưng họ cũng là con người mà”.
Vì vậy, lần nào chúng tôi cũng mua hành và gừng ở các sạp ngoài cổng chợ. Hầu hết là sạp hàng của các cụ ông, bà. Nếu thấy cụ nào lớn tuổi, cha sẽ mua nhiều hành hơn một chút.
Trứng cũng giống tình bạn, hãy giữ gìn cẩn thận
Trứng thường được mua sau cùng. Điều này tương đồng thứ tự trong cuộc sống của chúng ta. Mỗi khi mua trứng, cha thường nhẹ nhàng bỏ trứng vào chiếc giỏ nhỏ của tôi và nói rằng: “Trứng cũng giống như chặng đường đời mà con sẽ đi trong tương lai. Con phải nhớ rằng vị trí các loại thức ăn trong giỏ có thể thay đổi tùy ý, nhưng trứng thì không.
Nếu con để trứng cùng những món đồ cứng, sắc, trứng sẽ vỡ, cũng giống như tình bạn, rất dễ bị tổn thương. Khi kết bạn với mọi người, con phải hết sức lưu tâm, vì họ không phải người thân của con. Họ không có nghĩa vụ phải tha thứ cho lỗi lầm của con. Cha có thể tha thứ mọi lỗi lầm ở con, vì cha là người thân của con.
Trứng gà cũng giống như tình bạn, không thể chịu nổi va đập, thế nên cần phải bảo vệ cẩn thận tình bạn với bạn bè của mình, tuyệt đối không được nói những lời làm tổn thương người khác. Lời nói tựa như viên đá, hễ bất cẩn là sẽ làm vỡ trứng”.
Đây là những điều tôi đã trải nghiệm và không dám nói ra cho đến tận bây giờ. Sau khi trở về nhà, cha thường bắt tôi viết nhật ký về việc mua thức ăn. Cuốn nhật ký này đã ở bên tôi một thời gian rất dài, khoảng 40-50 năm.
Bây giờ, khi đã ở tuổi thất thập, nhớ lại những lời của cha, tôi hiểu ra rằng kỳ thực ông đã dạy tôi một triết lý rất quan trọng của cuộc đời, đó là mối quan hệ biện chứng giữa không gian và cơ hội.
Khi đó, những điều cha nói có thể cũng mang hàm ý về cuộc sống hôn nhân, nhưng lúc ấy tôi còn quá nhỏ nên chưa hiểu. Mãi đến khi trưởng thành, tôi mới thấm thía rằng nếu nghe theo lời cha, chắc chắn, tôi đã không phải đi những quãng đường vòng trắc trở đến như vậy.
Đừng chạm vào thứ không thuộc về mình, dẫu chúng đẹp đến mấy
Ai trong chúng ta cũng tôn sùng những giá trị chân - thiện - mỹ và muốn có được tất cả điều tốt đẹp. Thế nhưng, cha nói với tôi rằng: “Con không phải là người duy nhất trên thế giới này. Con không thể có được mọi thứ mà mình muốn. Vạn vật trên thế giới đều có logic sinh tồn của riêng chúng. Chúng ta luôn phải giữ tâm thế kính sợ chứ không được chiếm hữu, càng không được phá hủy chúng”.