Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bác sĩ Nhật chia sẻ bí quyết học ít hiểu nhiều

Sau hơn 30 năm nghiên cứu và giảng dạy về tâm lý học, tác giả Zion Kabasawa viết cuốn sách "Làm sao học ít hiểu nhiều?".

Cuốn sách trình bày phương pháp dung nạp kiến thức trên cơ sở khoa học thần kinh và kinh nghiệm giảng dạy thực tế của tác giả Zion Kabasawa.

Lam sao hoc it hieu nhieu? anh 1

Sách Làm sao học ít hiểu nhiều. Ảnh: Zenbooks.

Lợi ích của việc học

Trong Làm sao học ít hiểu nhiều?, tác giả Kabasawa lần lượt trình bày 5 lợi ích mà người trưởng thành thu được từ việc học, trong đó có giúp con người trưởng thành, chiến thắng những “cuộc chiến” trong đời sống, biến khủng hoảng thành cơ hội...

Học tập giúp con người phát triển, thể hiện bản thân. Trong quá trình đó, não sẽ tiết ra dopamine đem đến cảm giác hạnh phúc. Vì thế, theo quan điểm của tác giả, để có được hạnh phúc, con đường ngắn nhất chính là học tập.

Cuốn sách cũng chỉ ra việc học tập và nghiên cứu là “khoản tiết kiệm” cho 10 năm sau. Những người làm việc chăm chỉ trong 10 năm có thể thực hiện ước mơ của mình.

Dù việc học có nhiều lợi ích như vậy, không phải ai cũng có quá trình suôn sẻ. Kabasawa cho rằng có 4 lý do khiến việc học không phải lúc nào cũng như ý muốn: Học một cách khổ sở, không vui vẻ, không biết nên bắt đầu từ đâu, mất động lực và không biết điểm trọng tâm.

Từ việc đưa ra lợi ích của việc học, cũng như những vấn đề người học thường hay gặp phải, tác giả trình bày những phương pháp cụ thể, giúp người học thu được kết quả tốt.

Phương pháp “vui vẻ hóa” não bộ khi học

Về mặt khoa học thần kinh, tâm lý thích hay không thích học sẽ làm thay đổi cơ bản hiệu quả học tập và quyết định thành tích tốt hay không tốt.

Cuốn sách gợi ý một số phương pháp giúp độc giả trở nên yêu thích việc học tập như: Hỏi một người yêu thích học tập; lắng nghe các chuyên gia xung quanh; thử đọc sách của một người nổi tiếng thích học tập; tham gia cộng đồng học tập...

Nếu bắt đầu thấy việc học có sự thú vị, người học sẽ dần cảm thấy học tập là niềm vui và động lực cũng được nâng cao. Đây là lúc não vui vẻ nên khả năng tập trung, hiệu quả học tập và năng lực ghi nhớ được nâng cao.

Một điểm quan trọng mà tác giả nhắc đến trong Làm sao học ít hiểu nhiều? là học không phải chỉ vì bản thân mình. Ông chia sẻ việc chỉ dạy, truyền đạt kiến thức thông tin cho người khác, vừa khiến bạn phát triển, vừa giúp người khác tốt hơn.

Trong cuốn sách của mình, tác giả Kabasawa viết rằng việc cố gắng học rất nhiều mà chẳng được bao nhiêu là điều không đáng lo. Theo ông, mức độ nỗ lực và kết quả có mối quan hệ lũy thừa chứ không phải tỷ lệ thuận.

Não người gồm rất nhiều tế bào thần kinh kết nối với nhau. Nếu sử dụng mạng kết nối đó vào việc ghi nhớ, sự tiến bộ sẽ xảy ra theo cấp số nhân. Bởi vậy, hãy cứ làm hết sức mình, từng bước kiên trì, để đi tới “điểm bùng phát” cuối cùng.

Lam sao hoc it hieu nhieu? anh 2

Tác giả Kabasawa. Ảnh: Aasonacareer.

Tác giả Kabasawa nhấn mạnh việc tăng cường nỗ lực cho hiện tại, chứ không phải bởi vì suy nghĩ “tiếp tục cho tương lai”.

Đừng nghĩ về việc còn một năm nữa sẽ đến kỳ thi, mà hãy nghĩ “hôm nay mình sẽ học 3 tiếng”, chuyện của ngày mai hãy cứ để đến ngày mai. Cam kết cho hiện tại và sống cho hiện tại là bí quyết quan trọng để tiếp tục.

Nỗ lực với tâm thế thoải mái gần như mỗi ngày thì bất cứ điều gì cũng có thể được duy trì và đem đến kết quả ngạc nhiên.

Zion Kabasawa là bác sĩ, kiêm nhà văn. Ông sinh năm 1965, tốt nghiệp Đại học Y Sapporo năm 1991. Sau 3 năm học tại Đại học Illinois (Mỹ), ông về nước và thành lập Viện Nghiên cứu Tâm lý học Kabasawa.

Ông tận dụng các phương tiện truyền thông mạng xã hội để phổ biến tri thức về tâm lý học và tâm thần học.

Ông cũng là tác giả của nhiều sách khác về kỹ năng làm việc, phương pháp ghi nhớ và cách sử dụng mạng xã hội như: Đọc nhiều nhớ được bao nhiêu?, Phương pháp tối ưu hóa trí nhớ...

Chuyên gia Nguyễn Phi Vân chia sẻ kỹ năng gì cho người trẻ hiện đại?

Bộ sách "Tôi, tương lai & thế giới" và "Tôi đi tìm tôi" rất thiết thực cho bạn trẻ có nhu cầu nâng cấp bản thân để chạy đua với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thủy Thủy

Bạn có thể quan tâm