Điểm bùng phát là tác phẩm của Malcolm Gladwell - phóng viên tạp chí The New Yorker. Cuốn sách giúp người đọc khám phá, đón nhận dễ dàng hơn những hiểu biết sâu sắc về hiện tượng “điểm bùng phát”. Nó có thể làm thay đổi nhận thức của mọi người về việc tiêu thụ sản phẩm hay phổ biến các ý tưởng.
Được sự đồng ý của Alpha Books, Zing trích đăng một phần cuốn sách.
Theo giáo sư Zenilman, các đại dịch đều bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi yếu tố hoàn cảnh.
Hoàn cảnh có ảnh hưởng lớn
Đó là những tình huống, điều kiện hay môi trường cụ thể trong đó đại dịch diễn ra. Đây là điều hiển nhiên. Dầu vậy, điều hấp dẫn ở đây là quy luật này sẽ được mở rộng tới chừng nào.
Không chỉ có những yếu tố bình thường như thời tiết mới ảnh hưởng lên hành vi mà ngay cả những yếu tố nhỏ nhất, mơ hồ nhất và không ngờ tới nhất cũng có thể tác động lên cách thức chúng ta hành động.
Đôi lúc, các quyết định của chúng ta phụ thuộc vào việc xung quanh có ít hay nhiều người. Ảnh: Medium. |
Chẳng hạn như, một trong những vụ việc nổi tiếng nhất trong lịch sử New York là cái chết do bị đâm của một phụ nữ trẻ tên là Kitty Genovese năm 1964. Genovese bị một kẻ quá khích đuổi theo và hành hung ba lần trên phố trước khi bị hắn đâm chết.
Trong suốt nửa tiếng đồng hồ diễn ra sự việc, 38 người hàng xóm của cô đứng xem từ cửa sổ nhà họ. Tuy nhiên, trong suốt thời điểm đó, không một ai trong số 38 nhân chứng gọi điện cầu cứu cảnh sát. Vụ việc này đã gây ra vòng luẩn quẩn đổ thừa trách nhiệm lẫn nhau và sau đó trở thành hình ảnh tượng trưng cho lối sống lạnh lùng, vị kỷ đặc trưng.
Tuy nhiên, toàn bộ câu chuyện về cô gái xấu số Genovese hóa ra lại phức tạp hơn và cũng đáng lưu tâm hơn.
Hai nhà tâm lý học của thành phố New York, Bibb Latane, Đại học Columbia và John Darley, Đại học New York, sau sự kiện trên đã thực hiện một loạt những nghiên cứu nhằm cố gắng tìm ra chân tướng của hiện tượng được họ gán cho cái tên “Lối sống bàng quan”.
Họ sắp xếp một hoặc hai dạng trường hợp khẩn cấp vào những tình huống khác nhau để xem những người nào sẽ đến và giúp đỡ. Thật ngạc nhiên, kết quả họ tìm ra là chỉ với một yếu tố chúng ta cũng có thể dự đoán được hành vi trợ giúp.
Yếu tố đó là số lượng nhân chứng có mặt tại hiện trường xảy ra sự việc. Chẳng hạn, trong một thí nghiệm, Latane và Darley để một sinh viên mắc bệnh thần kinh ở một mình trên tầng còn trống.
Khi có một người khác chuyển đến ở phòng bên cạnh, 85% thời gian người này phải chạy sang để giúp đỡ anh sinh viên kia. Nhưng khi các chủ thể này tin rằng có bốn người nữa cũng nghe thấy cơn động kinh của anh sinh viên, anh ta sẽ chỉ chạy đến giúp 37% thời gian.
Cảm giác về trách nhiệm phụ thuộc lớn vào hoàn cảnh tức thì mà sự việc diễn ra. Ảnh: Aarp. |
Trong một thí nghiệm khác, khi một người trông thấy khói bốc ra từ một ô cửa, nếu đang ở đó một mình, khả năng anh ta báo động là 75%. Còn khi ở trong một nhóm, khả năng anh ta báo động về tai nạn chỉ là 38%.
Điều đó có nghĩa là khi nằm trong một nhóm, trách nhiệm hành động sẽ bị phân tán. Những người này cho rằng đã có ai đó gọi điện báo hoặc giả định vì không có ai hành động nên chắc những dấu hiệu hiển nhiên - như tiếng động kinh phát ra từ căn phòng bên cạnh hay khói bốc ra từ ô cửa - không thực sự là vấn đề cần chú ý.
Theo các nhà tâm lý xã hội như Latane và Darley, khi đó trong trường hợp của Kitty Genovese, vấn đề không phải là ở chỗ không ai gọi điện cho cảnh sát dù có đến 38 người nghe thấy tiếng thét của cô gái; mà nằm ở thực tế không ai gọi bởi vì cả 38 người cùng nghe thấy.
Thật trớ trêu! Nếu bị tấn công trên một con phố vắng chỉ có một nhân chứng duy nhất, có lẽ Genovese đã có thể sống. Hay nói cách khác, chìa khóa khiến mọi người thay đổi hành vi (chẳng hạn như quan tâm nhiều hơn tới người hàng xóm bất hạnh) đôi khi lại nằm ở những chi tiết nhỏ nhất trong hoàn cảnh tức thì.
Quy tắc "Sức mạnh của hoàn cảnh" cho rằng con người nhạy cảm với môi trường hơn là họ cảm nhận.