Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ GTVT: Sẽ khởi công Đường sắt Tốc độ cao Bắc - Nam trước 2030

Bộ Giao thông Vận tải sẽ hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án và trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Đoàn tàu của một tuyến đường sắt tốc độ cao ở châu Âu. .Ảnh: PV/Vietnam+.

Liên quan đến Dự án Đường sắt Tốc độ cao Bắc-Nam, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết sẽ hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án và trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và phấn đấu khởi công xây dựng 2 đoạn ưu tiên trước năm 2030.

Cụ thể, theo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến Đường sắt Tốc độ cao trên trục Bắc-Nam có quy mô đường đôi, khổ 1.435mm với chiều dài khoảng 1.545km, lộ trình đầu tư trước năm 2030.

Vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, yêu cầu dự án cần nghiên cứu, phân tích, đánh giá, kết hợp tham khảo kinh nghiệm quốc tế để lựa chọn phương án đầu tư xây dựng hiện đại, có tầm nhìn dài hạn, phát huy được các lợi thế, tiềm năng của đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới; mục tiêu đến 2025, phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án.

Triển khai Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư Đường sắt Tốc độ cao trên trục Bắc-Nam (Đề án) và các dự án quan trọng quốc gia (Ban Chỉ đạo). Ban Chỉ đạo đã họp cho ý kiến chỉ đạo về nội dung Đề án.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo, Bộ Giao thông Vận tải đã lấy ý kiến các Ban Đảng Trung ương, các Ủy ban của Quốc hội và các bộ, ngành để hoàn thiện Đề án và trình Thường trực Chính phủ.

Tại cuộc họp về Đề án chủ trương đầu tư Đường sắt Tốc độ cao trên trục Bắc-Nam được tổ chức ngày 1/12 vừa qua, do Đề án có ý nghĩa quan trọng, góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế-xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì vậy, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà lưu ý quá trình xây dựng, triển khai Đề án cần có sự đồng thuận, góp sức và thực sự vào cuộc của liên ngành trên nhiều lĩnh vực.

Về căn cứ chính trị xây dựng Đề án, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải cần căn cứ thực tiễn dựa trên yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, kinh nghiệm quốc tế (làm rõ thêm kinh nghiệm các nước trên thế giới về phát triển đường sắt tốc độ cao bao gồm cả phương án huy động vốn), với số liệu, dữ liệu kinh tế, kỹ thuật, khoa học để phân tích đầy đủ, rõ nét hơn tác động của đường sắt tốc độ cao đến tổng thể nền kinh tế-xã hội, trên cơ sở tính tương hỗ giữa các phương thức vận tải để nghiên cứu, lựa chọn, đề xuất phương án đầu tư bảo đảm khả thi, an toàn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu giai đoạn trước mắt và lâu dài.

duong sat cao toc anh 1

Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu phấn đấu khởi công xây dựng 2 đoạn ưu tiên trước năm 2030. Ảnh: PV/Vietnam+.

Về kịch bản, Phó Thủ tướng cho rằng cần dựa vào nhu cầu nội tại về phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, kinh nghiệm đầu tư đường sắt tốc độ cao trên thế giới để nghiên cứu đầu tư đường sắt tốc độ cao đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển trên Thế giới, tốc độ thiết kế 350km/h và thực sự trở thành trục “xương sống" theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị, khai thác hiệu quả tuyến đường sắt hiện có.

Liên quan cơ chế chính sách đặc thù, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp, địa phương và doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách “đặc thù đặc biệt cả gói" để báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội khi thông qua chủ trương đầu tư, bao gồm: Cơ chế huy động và sử dụng các nguồn vốn; cơ chế sử dụng tiền thu từ sử dụng đất từ các địa phương; cơ chế đào tạo, sử dụng cán bộ, kỹ sư; cơ chế nội địa hóa gắn với phát triển ngành công nghiệp đường sắt; cơ chế thu hút đầu tư PPP; cơ chế hợp tác, thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ thông qua FDI; mô hình tổ chức vận hành-kinh doanh... phải triệt để thực hiện kết luận cuộc họp của Ban Chỉ đạo.

Trong quá trình triển khai nghiên cứu tiếp theo, Bộ Giao thông Vận tải cần phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan nghiên cứu, làm sâu sắc thêm tầm quan trọng của giao thông, đặc biệt là đường sắt tốc độ cao trong việc phát triển đô thị theo định hướng gắn kết với giao thông công cộng (TOD). Bộ Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu giải pháp khai thác mô hình này.

Do dự án có quy mô lớn, phức tạp về kỹ thuật-công nghệ, thời gian thực hiện dài (trên 10 năm), Phó Thủ tướng chỉ đạo cần làm rõ việc tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư chỉ là ước tính ban đầu, số liệu chính xác sẽ tiếp tục được cập nhật ở các bước tiếp theo khi đủ điều kiện, tránh hiểu nhầm trong trường hợp tổng mức đầu tư dự án tăng trong giai đoạn triển khai…

Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị ASEAN - Nhật Bản

Sáng 15/12, chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu rời Thủ đô Hà Nội, lên đường tham dự Hội nghị và tiến hành các hoạt động song phương tại Nhật Bản.

https://www.vietnamplus.vn/bo-gtvt-se-khoi-cong-2-doan-uu-tien-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-truoc-nam-2030-post915741.vnp

Việt Hùng/Vietnam+

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm