Ông Nasser Larguet (64 tuổi) - một người luôn chu đáo, tận tâm trong việc phát triển bóng đá - có thể không được nhiều người biết đến, nhưng công việc của ông đã tạo nên làn sóng mới, theo Athletic.
14 năm trước, theo yêu cầu của quốc vương Morocco, ông Larguet bắt tay vào sứ mệnh thúc đẩy nền bóng đá nước nhà. Vốn có nhiều kinh nghiệm tại các học viện ở Pháp, ông bắt đầu tạo dựng một “dây chuyền sản xuất” thế hệ ưu tú, tìm kiếm những tài năng trẻ của Morocco.
Theo Athletic, việc Morocco vượt qua vòng bảng, tiến thẳng đến trận bán kết bắt nguồn từ những tháng ngày mà ông Larguet đi khắp đất nước, nhằm tìm kiếm những gương mặt trẻ triển vọng nhất cho Học viện Mohammed VI.
Ông đã quan sát 15.000 trẻ em trong độ tuổi từ 10-15 và loại dần để chọn ra thế hệ đầu tiên.
Ông Nasser Larguet được xem là người cha đỡ đầu thầm lặng của nền bóng đá Morocco. Ảnh: L'Équipe. |
"Tôi là người hạnh phúc nhất thế giới"
Hiện ông Larguet, người đến từ Sidi Slimane, một thị trấn nông nghiệp nhỏ ở phía Bắc Morocco, là giám đốc kỹ thuật của đội tuyển bóng đá Saudi Arabia. Ông đã cùng đội U15 của Saudi Arabia tham dự giải đấu ở Tây Ban Nha khi Morocco ăn mừng chiến thắng trước Bồ Đào Nha để vào bán kết World Cup.
Ông theo dõi trận đấu trên tivi, xúc động như một người cha tự hào khi thấy các con mình đạt được thành tựu lớn.
“Tim tôi đập rất mạnh”, ông chia sẻ. “Được chứng kiến ‘cuộc cách mạng’ với huấn luyện viên và những cầu thủ này thật phi thường. Họ chơi rất thông minh, rất đoàn kết. Khi tôi chứng kiến một trong những cầu thủ của học viện, Youssef En-Nesyri, ghi bàn thắng bằng cú đánh đầu đẹp mắt, tôi là người hạnh phúc nhất thế giới”.
New York Times đánh giá giải đấu ở Qatar đã biến “những chú sư tử Atlas" trở thành người phá kỷ lục. Chính tại đây, Morocco trở thành đội đầu tiên của thế giới Arab lọt vào tứ kết World Cup. Sau đó vài ngày, họ cũng là đội châu Phi đầu tiên kéo dài chuỗi trận của mình đến tận bán kết.
Ông Larguet được xem là chỉ dẫn hoàn hảo để giải thích cách Morocco tái tạo hình ảnh trên bản đồ bóng đá thế giới. Thậm chí, với những ý tưởng lớn, ông đã tạo ra bản kế hoạch chi tiết mà các quốc gia mới nổi khác có thể học tập.
Các yêu cầu cơ bản là một nhà tài trợ hào phóng, những người lãnh đạo, quản lý tài năng và tận tâm để điều hành chương trình được xây dựng nghiêm túc, cẩn thận, cùng sự kiên nhẫn để gieo những “hạt giống” và chăm sóc chúng cẩn thận cho đến khi đơm hoa kết trái.
“Tất cả bắt đầu vào năm 2007”, Larguet giải thích. “Đó là một dự án lấy cảm hứng từ Quốc vương Morocco Mohammed VI, người rất quan tâm đến thể thao”.
“Thật không may, nhận thức được rằng Morocco đang ở thời điểm mà họ thường không đủ điều kiện tham dự Cúp bóng đá châu Phi hoặc World Cup, Quốc vương Mohammed VI kết luận điều quan trọng là phải tập trung vào việc phát triển cầu thủ”, ông nói.
Các cầu thủ Morocco ăn mừng sau khi Achraf Hakimi ghi bàn quyết định trong loạt sút luân lưu với Tây Đào Nha. Ảnh: Reuters. |
“Tôi được chọn để lãnh đạo dự án. Chúng tôi đã dành hai năm để xây dựng học viện. Sau đó, tôi đi khắp đất nước để tìm những cầu thủ phù hợp”, ông kể lại.
Larguet cho hay vào năm 2009, học viện sẵn sàng mở cửa và thế hệ đầu tiên họ đào tạo ra là các cầu thủ như En-Nesyri, (Azzedine) Ounahi, (Nayef) Aguerd, (Ahmed Reda) Tagnaouti - “những người đang khoác áo đội tuyển quốc gia”.
Đi tìm thế hệ vàng
Cũng trong khoảng thời gian đó, một tiêu chí quan trọng được đặt ra là việc giáo dục huấn luyện viên và các cố vấn cũng quan trọng như việc giúp các cầu thủ trẻ phát triển.
Việc duy trì thành tích học tập cao bên cạnh công việc bóng đá quan trọng đến mức một số người đã không được chọn vì học lực kém xa so với yêu cầu. Triết lý của ông Larguet rất đơn giản: “Để có những cầu thủ giỏi, bạn cần có những huấn luyện viên giỏi và nhà giáo dục giỏi”.
“Chúng tôi muốn học viện tập hợp tất cả yếu tố cần thiết để phát triển những người trẻ tuổi ở cấp độ xã hội, trong nền giáo dục nơi họ tiếp tục học hỏi, và tất nhiên là trong cả bóng đá”, ông nói.
Theo ông, tất cả xảy ra ở cùng một nơi, “mục tiêu của chúng tôi lúc đó là mang đến cho họ cơ hội tốt nhất trong bóng đá, nhưng cũng đồng thời cải thiện những đội bóng đá trẻ khác nhau, U17, U20, đội Olympic và đội một”.
Các học sinh nội trú được nhận vào học viện ở độ tuổi 12 và có thể tiếp tục cho đến khi 18 tuổi. Đối với nhóm tuổi trước đó, ông Larguet đã mở 4 trung tâm nhỏ dành cho các cầu thủ nhí trên khắp đất nước, ở Marrakech, Casablanca, Fez và Tangier.
“Chúng tôi chuẩn bị cho những cầu thủ nhí, từ 9 đến 12 tuổi, để được đào tạo thường xuyên và người giỏi nhất trong số đó sẽ tốt nghiệp từ học viện”, ông nói.
Khi học viện bắt đầu hoạt động, ông Larguet đã thuyết phục Herve Renard tham gia dự án. Huấn luyện viên này sau đó đã theo ông đến Saudi Arabia, và trở thành huấn luyện viên trưởng của đội tuyển quốc gia.
“Bố già" của bóng đá Morocco cũng xác định từ đầu rằng Regragui là huấn luyện viên tài năng và tuyển ông vào nhóm đầu tiên nhận được giấy phép chuyên nghiệp của Liên đoàn Bóng đá châu Phi (CAF).
Không chỉ vậy, ông Larguet lùng sục khắp châu Âu để tìm ra những "mỏ vàng" bên ngoài Morocco, thuyết phục nhiều cầu thủ sinh ra hoặc sống ở nước ngoài về đá cho quốc gia gốc của họ.
Một cú điện thoại cho huấn luyện viên Zinedine Zidane đã giúp mở đường để Achraf Hakimi, người sinh ra ở Madrid, quyết định chọn Morocco. Sofyan Amrabat và Noussair Mazraoui, các cầu thủ sinh ra ở Hà Lan, đều đồng ý lời đề nghị. Sofiane Boufal, cầu thủ sinh ra ở Pháp, cũng chấp nhận gia nhập.
Ông Larguet đã lùng sục khắp châu Âu để tìm ra những "mỏ vàng" bên ngoài Morocco. Ảnh: Reuters. |
Đội ngũ trinh sát tài năng và có kinh nghiệm của ông Larguet đã thiết lập danh mục những cậu bé tài năng có gốc gác Morocco.
Họ tìm được Hakim Ziyech ở Học viện Heerenveen (Hà Lan), Achraf Hakimi ở Real Castilla (Tây Ban Nha), Sofiane Boufal ở Lille (Pháp) và nhiều gương mặt triển vọng khác.
Thậm chí, ban đầu, ít người biết Romain Saiss mang dòng máu Morocco. Tại thời điểm đó, trung vệ này còn đang chơi ở giải hạng 5 Pháp, với thu nhập chính đến từ công việc rửa bát thuê.
Tuy nhiên, khi biết Saiss có bố người Morocco, đội trinh sát của Larguet đã hướng dẫn các thủ tục nhập tịch và đưa anh về quê hương. Những ngày đầu, hiếm ai ở Liên đoàn Bóng đá Morocco tin vào khả năng của cầu thủ này. Thế nhưng, tại World Cup 2022, Saiss đã đeo băng đội trưởng.
Theo Financial Times, 14 trong số 26 cầu thủ của Morocco sinh ra ở nước ngoài. Với ưu điểm đó, “những chú sư tử Atlas" đã kết hợp những gì hay nhất của bóng đá Arab với những gì hay nhất của bóng đá châu Âu
Tầm ảnh hưởng của ông Larguet đối với đội tuyển Morocco hiện vẫn rất lớn.
"Bố già" của nền bóng đá Morocco chắc chắn rằng World Cup 2022 sẽ đánh dấu bước tiến quan trọng trong nhận thức của các đội tuyển và huấn luyện viên châu Phi.
“Các cầu thủ và huấn luyện viên đã nhận được sự tôn trọng”, ông nói. “Mọi người có thể thấy đội châu Phi đang vươn lên trên thế giới. Nó cho bóng đá châu Phi và thế giới Arab thấy rằng không gì là không thể. Đó là một tấm gương để noi theo”.
Dù "những chú sư tử Atlas" không thể viết tiếp lịch sử tại World Cup, Athletic nhận định khi quốc ca Morocco vang lên trên sân vận động vào tối ngày diễn ra trận đấu với Pháp, chắc chắn không có ai tự hào bằng người đàn ông đã khởi đầu tất cả này.
Những cuốn sách hay về thể thao
Tủ sách thể thao mang tới những câu chuyện thể thao quá khứ và hiện tại, những bí mật hậu trường, những giải đấu, ký ức của những cựu danh thủ, HLV, các huyền thoại như Sir Alex Ferguson, Steven Gerrard, Park Hang-seo, Lê Công Vinh...