Cùng với Bộ Công an, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương cũng gửi văn bản tham gia ý kiến với Văn phòng Chính phủ về kết quả 2 năm thực hiện thí điểm ứng dụng khoa học, công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng (gọi tắt là thí điểm Uber, Grab) của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).
Về lĩnh vực chuyên môn quản lý là thương mại điện tử, Bộ Công Thương dẫn quy định tại Nghị định 52 thì các chủ thể ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện phải tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó.
Do đó, doanh nghiệp khi sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động để kinh doanh vận tải vừa phải tuân thủ các quy định về thương mại điện tử, vừa phải tuân thủ các quy định khác của ngành GTVT.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng góp ý một số nội dung khác sau 2 năm thí điểm Uber, Grab. Bộ này cho rằng cần xem xét lại một cách toàn diện mô hình quản lý lý đối với các dịch vụ vận tải hành khách hiện nay, để có một cách tiếp cận mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển.
Bộ này đề nghị xem xét lại cách phân loại “kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi” “kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng”, “kinh doanh vận tải khách du lịch bằng xe ôtô” vì hiện nay danh giới giữa các loại hình này không còn rõ ràng.
Bộ Công Thương cũng đề nghị rà soát, đánh giá toàn diện các văn bản quy phạm pháp luật về dịch vụ vận tải, loại bỏ những quy định định không còn phù hợp với thực tiễn. Ví dụ những quy định nhấn mạnh những yếu tố “giấy tờ”, “niêm yết” là không phù hợp với các giao dịch mà trong đó việc giao kết hợp đồng được thực hiện trên môi trường điện tử.
Bộ này cũng đề nghị cân nhắc nới lỏng những quy định mang tính áp đặt về mô hình tổ chức hoạt động kinh doanh của các đơn vị vận tải truyền thống, từ đó giảm thiếu sự bất bình đẳng giữa chi phí tuân thủ của mô hình vận tải truyền thống với mô hình vận tải ứng dụng khoa học công nghệ.
“Tốt nhất các quy định về vận tải hành khách nên được xây dựng theo hướng mở, chỉ đưa ra nguyên tắc quản lý, phân định quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia, không quy định cứng về các hình thức dịch vụ vận tải”, văn bản nêu.
Bộ Công Thương đề nghị tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các xe chạy thí điểm, không chấp hành dán logo phù hiệu. Lực lượng Thanh tra giao thông địa phương tích cực phối hợp với CSGT đẩy mạnh thanh, kiểm tra làm việc với các đơn vị tham gia thí điểm, có biện pháp sàng lọc, chấm dứt sử dụng dịch vụ đối với các xe cố tình không chấp hành quy định.
Bộ Công Thương cũng đề nghị Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự thảo, nghị định thay thế Nghị đình 86/2014/NĐ-CP, trong đó điều chỉnh các quy định không còn phù hợp liên quan đến taxi truyền thống, đồng thời định dạng mô hình hoạt động, bổ sung các quy định và chế tài xử lý vi phạm mới phù hợp với các đơn vị cung cấp phần mềm và các đơn vị vận tải đang tham gia thí điểm hiện nay.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã lấy ý kiến của các Bộ Công an, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Tài chính và UBND TP. Hà Nội về 2 năm thực hiện đề án thí điểm Uber, Grab.
Bộ Công an cũng đã có ý kiến đề nghị không kéo dài thời gian thí điểm. Riêng UBND TP. Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông thì đồng ý kéo dài thời gian thí điểm đến khi nào có Luật Giao thông đường bộ mới cũng như các quy định liên quan. Tuy nhiên Bộ Thông tin Truyền thông nhấn mạnh trong thời gian chờ đợi, Bộ GTVT cần có quy định về thời hạn thí điểm tiếp theo, xem xét xây dựng một số quy định tạm thời để hạn chế một số bất cập. Bộ Tài chính nhấn mạnh về yếu tố thuế.
Trong khi đó, ngày 23/2, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, về việc thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ trong kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng.
Phó thủ tướng đồng ý kéo dài thời gian thí điểm cho đến khi có Nghị định mới thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP, quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô được ban hành và có hiệu lực.