Sau khi nhậm chức, bà Charity sẽ chuyển tới làm việc tại TP.HCM.
Thông báo ghi rằng bà Charity Safford sẽ chịu trách nhiệm mang chất lượng phục vụ hành khách và tài xế đối tác tại 3 nước trên lên tầm cao mới. Đồng thời bà cũng sẽ có trách nhiệm tiếp tục mở rộng dịch vụ của Uber đến nhiều thành phố khác tại 3 quốc gia này.
Bà Charity Safford. Ảnh: Uber. |
Trên trang web của mình, Uber cho biết bà Charity Safford là bậc thầy trong lĩnh vực phát triển thị trường. “Charity có hơn 20 năm kinh nghiệm ở vai trò lãnh đạo trong ngành viễn thông tại Đông Âu, châu Phi và châu Á”, thông báo nói.
Theo website tuyển dụng Linkedin, bà Charity Safford từng theo học tại Đại học Queen (Canada). Bà cũng có kinh nghiệm 8 năm làm tại hãng viễn thông Vodacom với nhiều chức vụ khác nhau, tại nhiều thị trường khác nhau.
Trước khi đầu quân về Uber, bà là giám đốc tiếp thị của một hãng viễn thông tại Myanmar.
Nhiều tài xế là đối tác của Uber tập trung trước cửa văn phòng hãng để phản đối mức chiết khấu hôm 15/1. Ảnh: Ngô Minh. |
Tháng 10/2017, Uber đã bổ nhiệm Giám đốc điều hành tạm thời tại Việt Nam là ông Tom White. Gần 4 tháng tham gia thị trường Việt Nam của ông Tom White được cho là “sóng gió”, khi liên tiếp phải đối mặt với nhiều vấn đề hóc búa. Từ việc Uber bị truy thu thuế tại TP.HCM đến việc tổng kết 2 năm thí điểm xe hợp đồng điện tử tại Việt Nam. Ngoài ra còn việc tài xế Uber kéo đến trụ sở hãng này phản đối mức chiết khấu mới đây.
Sau vụ tài xế tập trung phản đối mức chiết khấu, ngày 20/1, Uber Việt Nam gửi thông báo đến đối tác, áp dụng chính sách quản lý chất lượng, bao gồm tỷ lệ nhận chuyến và hủy chuyến. Theo Uber, đối tác cần chấp nhận các yêu cầu gọi xe trực tuyến và hoàn thành tất cả các chuyến đi đã nhận. Nếu xảy ra việc để trôi tín hiệu yêu cầu chuyến đi, có thể tài khoản của đối tác bị vô hiệu hóa (khóa tài khoản).