Ngày 15/6, các đại biểu Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận trên hội trường về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách Nhà nước.
Phát biểu liên quan đến vấn đề xuất khẩu gạo, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng có thông tin điều hành chưa thực sự thông suốt, nhưng kết quả xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm đạt kết quả tốt. Cụ thể, Việt Nam đã xuất khẩu 3,06 triệu tấn, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2019; đạt kim ngạch 4,8 tỷ USD, tăng 25,44%.
“Việt Nam được nhận định trở thành nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới trong năm 2020”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh. |
Về quá trình điều hành xuất khẩu gạo, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết vào tháng 3, có một số diễn biến tương đối phức tạp. Thứ nhất, Việt Nam và các nước đang trong giai đoạn chống dịch Covid-19 căng thẳng. Do đó, nhiều quốc gia lo lắng về an ninh lương thực, tăng mua, tăng tích trữ lương thực.
Thứ hai là tình hình hạn hán, xâm nhập mặn ở Việt Nam và một số nước xuất khẩu gạo khác gây ra nguy cơ, tâm lý lo lắng về thiếu lương thực trong chuỗi cung ứng lương thực.
Bên cạnh đó tại Việt Nam, giá gạo tăng nhanh bởi trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo tăng mạnh, 31,7% so với cùng kỳ năm 2019.
“Nếu như 15 ngày sau của tháng 3 mà tiếp tục tăng như vậy, chúng tôi dự tính cùng với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá đến đầu vụ hè - thu, có khả năng thiếu hụt nguồn cung lương thực. Chính vì vậy, Thủ tướng đã triệu tập cuộc họp với Chính phủ để cân nhắc các tình hình”, tư lệnh ngành Công Thương cho biết.
Trên cơ sở các báo cáo chung của bộ ngành và Bộ Công Thương về giải pháp, trong đó có quản lý xuất khẩu gạo theo hạn ngạch hoặc tạm dừng, tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo, Thủ tướng đã ra quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 5. Điều này nhằm đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, cũng như ổn định giá gạo trong nước, chủ động trong việc dự trữ lương thực.
Sau đó, trong quá trình triển khai thực hiện, Bộ Công Thương nhận được các ý kiến phản ánh của nhiều địa phương, doanh nghiệp đánh giá khả năng trữ lượng gạo vẫn còn. Mặt khác, hợp đồng chúng ta đã ký để giao gạo với nước ngoài không đến mức như trong các hợp đồng đã triển khai thực hiện.
Các bộ ngành đã chủ động báo cáo với Thủ tướng và Thủ tướng đồng ý cho phép kiểm tra, đánh giá lại toàn diện về các hợp đồng đã đăng ký xuất khẩu gạo và hợp đồng gạo đã giao. Thủ tướng đã tổ chức cuộc họp mới và sau đó thống nhất ý kiến quản lý xuất khẩu gạo một cách chặt chẽ bằng hạn ngạch tạm thời là 400.000 tấn trong tháng 4.
Sau khi thực hiện hết tháng 4, đánh giá điều kiện để tiếp tục xuất khẩu gạo, nhất là khi giá gạo thế giới vẫn đang ở mức cao. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.
“Chúng ta có đủ cơ sở để yên tâm về gạo vụ hè - thu sắp vào, cũng như gạo còn tồn trữ thì Thủ tướng đã thống nhất cho hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường trong tháng 5”, Bộ trưởng nói.
Theo đó, sản lượng gạo của Việt Nam đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ gạo cho người nông dân tại đồng bằng sông Cửu Long, cũng như tại cả nước, đồng thời, mang lại hiệu quả cho hoạt động xuất khẩu gạo.
Đối với những bất cập, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ ngành nghiên cứu, rút kinh nghiệm để đảm bảo điều hành cho có hiệu quả. Từ đó, tiếp tục hoàn thiện hơn nữa các khuôn khổ pháp luật điều hành xuất khẩu gạo và đảm bảo an ninh lương thực.