Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại biểu Quốc hội quy trách nhiệm về giá thịt lợn cao cho 2 bộ

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân cho rằng trách nhiệm của việc để giá thịt lợn neo cao suốt hơn 1 năm qua, hay sự lúng túng trong việc xuất khẩu gạo thuộc về Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương.

Sáng 13/6, Quốc hội thảo luận về báo cáo kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước. Những vấn đề nóng, được dư luận quan tâm, và nhiều vấn đề bức thiết ở các địa phương được các đại biểu Quốc hội đưa ra nghị trường.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk) nhắc đến việc mất cân đối cung cầu thịt lợn, đẩy giá lên cao mà không thể giải quyết được suốt hơn 1 năm qua; hay sự lúng túng, thiếu nhất quán trong việc dừng hay cho xuất khẩu gạo.

“Tôi cho rằng các bộ có chức năng giúp Chính phủ, Thủ tướng trong việc thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về kinh tế ngành như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm về việc này”, đại biểu Xuân nói.

‘Bo NN&PTNT,  Cong Thuong phai chiu trach nhiem ve gia thit lon cao' anh 1

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân (Đắk Lắk). Ảnh: Quochoi.vn.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết các nhóm hàng hóa có chỉ số giá tiêu dùng tăng chủ yếu là lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm. Dịch tả lợn châu Phi khiến nguồn cung giảm xuống và đẩy giá thịt lợn lên cao, dao động 90.000-100.000 đồng/kg.

Hơn nữa hiện nay, doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lợn còn ít, trong khi có nhiều hộ gia đình chăn nuôi lợn. Các hộ gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, chưa có gói kích cầu nào hỗ trợ cho người chăn nuôi lợn giúp tập trung tái đàn.

Do đó, đại biểu Bà Rịa - Vũng Tàu cho rằng cần có giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp, hộ gia đình chăn nuôi được gây đàn, tái đàn. Đặc biệt, kích cung đảm bảo nguồn cung trong cả nước, không cần nhập khẩu lợn để tự chủ được nền kinh tế.

Đồng thời, có chính sách kiểm soát giá thịt lợn, quan tâm hỗ trợ vốn và phòng chống dịch tả lợn châu Phi hiệu quả.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát đi thông báo cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu đủ điều kiện nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan vào Việt Nam để nuôi, giết mổ làm thực phẩm kể từ 12/6.

Việc nhập khẩu lợn sống nhằm tăng nguồn cung trong nước, tiến tới kéo giá thịt lợn xuống. Thực tế, giá lợn hơi trong nước đã giảm 2 tuần liên tiếp kể từ khi có tin nhập lợn sống từ Thái Lan.

Về xuất khẩu gạo, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) khẳng định trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các quốc gia tăng mua dự trữ, giá gạo lên cao, đây là cơ hội vàng để Việt Nam xuất khẩu gạo.

Tuy nhiên theo ông, việc chỉ đạo, triển khai xuất khẩu gạo trong thời gian qua có sự thiếu nhất quán, lúng túng như câu chuyện tờ khai xuất khẩu trực tuyến tại Tổng Cục hải quan gây bức xúc cho doanh nghiệp.

Ông đề nghị Chính phủ chỉ đạo, tháo gỡ các điểm nghẽn, nếu cần thiết có thể thành lập ban chỉ đạo rà soát dự trữ gạo, tranh thủ cơ hội cạnh tranh xuất khẩu khi nhu cầu và giá gạo đang thuận lợi nhưng vẫn đảm bảo an ninh lương thực.

Giá lợn hơi giảm tuần thứ 2 liên tiếp, thịt tại chợ vẫn neo giá cao

Giá lợn hơi trong nước có tuần thứ 2 giảm giá liên tiếp. Bộ NN&PTNT dự báo giá còn giảm nữa sau khi cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan để nuôi, giết mổ làm thực phẩm.

Thịt lợn Mỹ, Canada đổ vào thị trường Việt Nam

Tính đến hết tháng 5, Việt Nam đã nhập trên 70.000 tấn thịt lợn và 7.700 con lợn giống. Nguồn cung thịt lợn trên thế giới giảm mạnh, Việt Nam tính nhập khẩu lợn sống về giết mổ.

Văn Hưng

Bạn có thể quan tâm