Liên quan đến kiến nghị tạm ngừng nhập khẩu xăng dầu của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng khó có thể thực hiện được. Đại diện Bộ Công Thương cũng khẳng định rất chia sẻ với khó khăn của các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Ông Hải cho biết hiện có 33 đầu mối nhập khẩu xăng dầu tại Việt Nam, có nghĩa họ đáp ứng yêu cầu Nghị định 83 của Chính phủ và được phép là đầu mối trực tiếp xuất nhập khẩu xăng dầu. Trong 3 tháng vừa qua, những đầu mối này cũng gặp rất nhiều khó khăn, không chỉ riêng PVN.
“Mặt khác, nếu cấm nhập khẩu xăng dầu có nghĩa là cấm các nước khác nhập khẩu vào Việt Nam, điều này có thể vi phạm các quy tắc trong các hiệp định thương mại và các cam kết với các nước”, ông Hải nói.
PVN cho biết việc giá dầu giảm đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu, hiệu quả của tập đoàn và các đơn vị thành viên. Ảnh: Phương Lâm. |
Thứ trưởng cũng thông tin thêm Bộ Công Thương đã làm việc với Tổng giám đốc EVN và báo cáo Ban chỉ đạo điều hành giá cần cân nhắc trước khi đưa ra quyết định.
Theo Bộ Công Thương, quan trọng nhất là cần hài hòa lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong nước, người tiêu dùng và các doanh nghiệp sử dụng xăng dầu trong nước. Chính vì vậy, các doanh nghiệp, đối tượng cần chia sẻ quyền lợi của mình.
Trước đó, PVN có văn bản gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét ban hành các cơ chế chính sách hạn chế/cấm nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu trong giai đoạn chưa kiểm soát được dịch bệnh, cũng như thị trường tiêu thụ xăng dầu nội địa đang gặp khó khăn.
PVN cho biết trong quý I, tồn kho các sản phẩm xăng dầu tại nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn của tập đoàn này luôn ở mức cao, đặc biệt là mặt hàng xăng. Trong khi đó, lượng nhập khẩu lớn gây khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm xăng dầu sản xuất trong nước.