Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) mới đây có công văn gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính về việc tiêu thụ sản phẩm xăng dầu sản xuất trong nước.
Theo PVN, trong quý I/2020, tổng nhu cầu tiêu thụ xăng dầu ước giảm khoảng 30% và dự kiến tiếp tục giảm khi thị trường du lịch, dịch vụ, vận tải đóng băng vì dịch Covid-19. Tồn kho các sản phẩm xăng dầu tại nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn luôn ở mức cao, đặc biệt là mặt hàng xăng.
Toàn cảnh nhà máy lọc dầu Dung Quất. Ảnh: Minh Hoàng. |
“Tại một số thời điểm, tồn kho xăng ở mức trên 90%. Các nhà máy lọc dầu của PVN đang chịu áp lực từ cả đầu vào (giảm giá hàng tồn kho) lẫn đầu ra (khách hàng hủy, giãn nhận hàng do nhu cầu xuống mức rất thấp)”, văn bản nêu.
Ngày 30/3, tồn kho các sản phẩm của 2 nhà máy lọc dầu đều vượt ngưỡng nguy cơ vượt giới hạn tồn trữ (trừ dầu diesel). Cụ thể, tồn kho dầu thô tại nhà máy lọc dầu Dung Quất là 384,256 m3, tại Nghi Sơn là 533,500 m3, tỷ lệ tồn kho lần lượt là 76% và 64%; tồn kho xăng tại nhà máy lọc dầu Dung Quất là 138,242 m3, chiếm tỷ lệ 87%, tại Nghi Sơn là 167,520 m3, chiếm tỷ lệ 81%.
Theo số liệu công bố từ Tổng cục Hải quan, lượng nhập khẩu xăng dầu các loại trong 2 tháng đầu năm là 1,356 triệu tấn. PVN cho biết khi so sánh với khối lượng sản xuất 2,16 triệu tấn của 2 nhà máy lọc dầu, lượng nhập khẩu đã chiếm 39% nhu cầu tiêu thụ nội địa.
“Lượng nhập khẩu quá lớn thực sự đã gây khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm xăng dầu sản xuất trong nước”, PVN khẳng định.
Do đó, tập đoàn này kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét ban hành các cơ chế chính sách hạn chế/cấm nhập khẩu các sản phẩm xăng dầu trong giai đoạn chưa kiểm soát được dịch bệnh, cũng như thị trường tiêu thụ xăng dầu nội địa đang gặp khó khăn.
Đồng thời, tiếp tục có các biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ đối với chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường, tăng cường các giải pháp phòng chống gian lận thương mại và bán phá giá xăng dầu.