Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ Công Thương giao EVN làm quy trình mua bán điện tái tạo trực tiếp

Bộ Công Thương cho biết EVN cần xây dựng các quy trình, quy chế để thực hiện Nghị định 80/2024 quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách sử dụng điện lớn.

Thứ trưởng Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết EVN phải xây dựng các quy trình để thực hiện Nghị định 80/2024. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Chia sẻ tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết ngày 3/7 vừa qua, Thủ tướng đã ký ban hành Nghị định số 80/2024 quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn, có hiệu lực ngay từ ngày ký.

Theo Thứ trưởng, cơ chế mua bán điện trực tiếp này còn khá mới, được thực hiện thông qua 2 phương thức gồm mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, không kết nối với lưới điện quốc gia và mua bán điện trực tiếp có kết nối với lưới điện quốc gia.

Chia sẻ về những khó khăn khi triển khai quy định mới này, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào được ban hành, bên cạnh những thuận lợi tạo động lực phát triển, đều có những khó khăn trong triển khai thực thi. Đặc biệt, với Nghị định số 80/2024 cơ chế mua bán điện trực tiếp còn mới, nên khó tránh khỏi những khó khăn.

Đầu tiên, theo ông Tân, là trong trường hợp mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, không kết nối với lưới điện quốc gia, 2 bên tham gia cơ chế là đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn sẽ tự thảo luận hợp đồng. Tại Nghị định, hợp đồng này được quy định mang tính chất định hướng, còn các nội dung cụ thể liên quan đến vấn đề mua bán, trao đổi, giá cả... sẽ tôn trọng thỏa thuận 2 bên.

“Tôi cho rằng có thể xuất hiện sự lúng túng trong thực hiện, đặc biệt đối với bên vận hành điện lực, chưa biết trên cơ sở nào để đàm phán”, ông Tân chia sẻ.

Bên cạnh đó, trường hợp mua bán điện trực tiếp có kết nối với lưới điện quốc gia, Thứ trưởng Tân cho rằng cần đảm bảo tính hệ thống và tính an toàn trong vận hành hệ thống điện. Có thể nhu cầu của khách hàng và năng lực cung ứng chưa gặp nhau ở một số điểm.

Khó khăn khác, theo Thứ trưởng, là do cơ chế mới, bản thân các đơn vị phát điện, đơn vị điện lực, đặc biệt là bên vận hành (các trung tâm điều độ hệ thống điện) sẽ phải sử dụng các quy trình riêng để thực hiện.

“Ở góc độ quản lý, Bộ Công Thương sẽ theo dõi và có các chỉ đạo, về cơ bản đã giao cho các đơn vị để triển khai, cũng cố gắng để rà soát, triển khai đồng bộ, nhịp nhàng trong quá trình thực hiện”, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh.

Thứ trưởng Công Thương cho biết về giải pháp, tại hội nghị triển khai Nghị định tổ chức ngày 5/7, Bộ trưởng Công Thương đã chỉ đạo rất rõ các nội dung liên quan.

Trong đó, với các địa phương, cần tạo điều kiện, rà soát lại các quy hoạch, trên cơ sở đó đồng bộ hóa với các giải pháp liên quan đến vấn đề xây dựng, phòng cháy chữa cháy để phát triển các nhà máy năng lượng tái tạo, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng sử dụng điện lớn trong cơ chế mua bán điện trực tiếp.

Với EVN - đang chịu trách nhiệm quản lý đơn vị vận hành hệ thống điện quốc gia - phải xây dựng các quy trình, quy chế để thực hiện Nghị định, đáp ứng được nhu cầu đăng ký của các khách hàng lớn và các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng giao các đơn vị thuộc Bộ, trực tiếp là Cục Điều tiết điện lực, chủ trì, phối hợp với các đơn vị rà soát lại các thông tư, quy định có liên quan để xem xét, nghiên cứu, sửa đổi nhằm hỗ trợ và đảm bảo việc thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp hiệu quả trong thời gian tới.

Bộ trưởng Công Thương yêu cầu sớm có giá điện 2 thành phần

Việc triển khai giá điện 2 thành phần (giá công suất và giá điện năng) giúp tách bạch giá, phí truyền tải trong cơ cấu giá thành điện năng...

Phó thủ tướng: Hỗ trợ tài chính cho người lắp điện mặt trời mái nhà

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng lắp đặt điện mặt trời mái nhà phải có hiệu quả kinh tế thì người dân mới làm, do đó Bộ Công Thương cần có giải pháp hỗ trợ cho người dân.

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới trở thành nhu cầu cấp thiết. Để độc giả có thể tiếp cận những tri thức kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh trên thế giới.

Quang Thắng

Bạn có thể quan tâm