Liên quan đến vấn đề sửa đổi biểu giá bán lẻ điện bậc thang, tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/12, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết việc tiếp tục duy trì quy định giá điện sinh hoạt theo bậc là cần thiết.
"Điện năng là một loại hàng hóa đặc biệt, việc sản xuất tiêu dùng diễn ra đồng thời trong khi việc lưu trữ điện năng tốn kém. Khi huy động điện từ nhà máy, nguyên tắc là sẽ huy động các nhà máy điện có giá rẻ phát điện trước và nhà máy điện có giá đắt phát điện sau cho đến khi đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện của khách hàng", ông chia sẻ.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Hải, hiện nay, nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả, nhiều nước phát triển cũng áp dụng giá điện cho mục đích sinh hoạt theo các bậc như Việt Nam.
"Việc thiết kế giá bán lẻ điện cho sinh hoạt theo các bậc phù hợp với các mức sử dụng điện khác nhau của các hộ dân nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả", ông Hải nhấn mạnh.
Liên quan đến giá điện hai thành phần, Thứ trưởng Công Thương cho biết kinh nghiệm áp dụng theo các nước trên thế giới cho thấy giá bán điện 2 thành phần gồm giá công suất (tính theo kW) và giá điện năng (tính theo kWh). Cách tính này chỉ áp dụng cho đối tượng khách hàng sản xuất kinh doanh.
"Do đây là một cơ chế mới, cần có nghiên cứu kỹ lưỡng tránh tác động quá lớn cho khách hàng sử dụng điện", ông nói.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đề xuất áp dụng thử nghiệm giá bán điện 2 thành phần cho nhóm khách hàng dùng điện sản xuất. Ảnh: Hồng Quang. |
Trong thời gian tới, căn cứ vào đặc điểm sử dụng điện của các khách hàng và trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của các nước đã áp dụng, Thứ trưởng cho biết sẽ nghiên cứu và đề xuất áp dụng thử nghiệm giá bán điện 2 thành phần gồm giá công suất và giá điện năng cho một số nhóm khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất.
Về cách tính giá điện sinh hoạt 5 bậc, ông Hải cho biết ưu điểm của cách tính này là đơn giản, dễ hiểu. Hiện đã giảm từ 6 bậc xuống còn 5 bậc, điều này nhằm phản ánh tình hình thực tế tiêu thụ điện, khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện hiệu quả hơn, hạn chế một phần tiền điện phải trả tăng cao trong những tháng đổi mùa.
"Mức tăng giá giữa các bậc hợp lý, chênh lệch giữa bậc đầu và cuối là 2 lần. So với xu thế của các nước là phù hợp", Thứ trưởng đánh giá.
Ông Hải khẳng định các hộ sử dụng điện 710 kWh trở xuống (chiếm 98%) số tiền điện sẽ giảm đi. Còn các hộ sử dụng điện cao hơn 711 kWh (chiếm 2% còn lại) sẽ phải trả nhiều tiền hơn. "Như vậy, tổng thể của phương pháp tính vẫn giữ nguyên, chỉ là có sự tăng lên, giảm xuống tương ứng giữa các thành phần khách hàng sử dụng điện", Thứ trưởng Hải đánh giá.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Znews đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.