“Theo thông tin từ cơ quan đại diện Việt Nam tại Myanmar, hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar vẫn duy trì hoạt động tại Myanmar”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết tại buổi họp báo trực tuyến chiều 25/2.
“Việt nam đề nghị các cơ quan chức năng Myanmar quan tâm, đảm bảo an toàn cho cộng đồng Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập và làm việc tại Myanmar cũng như bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt Nam, phù hợp các thỏa thuận hai bên cũng như luật pháp và thông lệ quốc tế”, bà Hằng nói thêm.
Bà cho biết trong những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar đã “đóng góp tích cực và quan trọng” vào tiến trình phát triển kinh tế, xã hội tại Myanmar, cũng như thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Myanmar.
Cảnh sát chống bạo động cùng quân đội Myanmar được triển khai ứng phó biểu tình ở Mandalay ngày 20/2. Ảnh: Reuters. |
Tình hình ở Myanmar ngày càng căng thẳng sau nhiều tuần biểu tình liên tục trên toàn quốc phản đối chính quyền quân đội. Hàng trăm nghìn người đã xuống đường yêu cầu thả các lãnh đạo dân sự và đưa đất nước trở về thể chế dân chủ trước chính biến ngày 1/2, theo hãng tin AFP.
Kể từ đầu tháng 2, giới chức an ninh đã ứng phó ngày càng quyết liệt, theo quan sát của AFP. Quân đội dùng vòi rồng, hơi cay và đạn cao su, và trong một số ít trường hợp là cả đạn thật, để cố đẩy lùi người biểu tình. Hàng trăm người đã bị bắt giữ.
Cho đến nay, các cuộc biểu tình ở thành phố lớn nhất Yangon đa phần vẫn ôn hòa. Nhưng đã có ít nhất 4 người biểu tình thiệt mạng trong các vụ trấn áp. Quân đội cũng ghi nhận ít nhất một cảnh sát đã thiệt mạng.
Quân đội Myanmar tiếp tục chịu sức ép từ quốc tế. Ngoại trưởng các nước G7 cùng đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) ngày 23/2 ra tuyên bố yêu cầu Myanmar chấm dứt tình trạng khẩn cấp, thả các lãnh đạo dân sự.
Trước đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 22/2 cũng yêu cầu quân đội Myanmar “dừng trấn áp” biểu tình.
Facebook vừa qua cho biết đã phong tỏa tài khoản của quân đội Myanmar trên các nền tảng Facebook và Instagram, với lý do là các vụ “bạo lực dẫn đến chết người” và các “rủi ro trong việc để Tatmadaw (quân đội Myanmar) hoạt động trên Facebook và Instagram”.