"Các sự kiện kể từ vụ chính biến ngày 1/2, bao gồm bạo lực dẫn đến chết người, khiến việc ban hành lệnh cấm trở thành điều cần thiết", Facebook nói trong một bài viết hôm 24/2, theo Reuters. "Chúng tôi tin rằng những rủi ro trong việc để Tatmadaw (quân đội Myanmar) hoạt động trên Facebook và Instagram là rất lớn".
"Gã khổng lồ mạng" xã hội cũng cho biết họ sẽ cấm "mọi thực thể thương mại có liên hệ với Tatmadaw".
Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing vào tháng 7/2018. Ảnh: AP. |
Tại Myanmar, Facebook được sử dụng rất phổ biến để liên lạc và tiếp cận các dịch vụ hàng ngày. Mạng xã hội này đã trở thành nền tảng chính để kêu gọi, tổ chức các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự.
Lệnh cấm được công bố hôm 24/2 ảnh hưởng đến Không quân, Hải quân, Bộ Quốc phòng, cũng như các cơ quan chính phủ và người phát ngôn khác của Myanmar, theo Washington Post.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục coi tình hình ở Myanmar là tình trạng khẩn cấp và chúng tôi tiếp tục tập trung vào sự an toàn của cộng đồng và nói rộng hơn là người dân Myanmar", Rafael Frankel, giám đốc chính sách của Facebook tại các quốc gia mới nổi ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cho biết.
Quân đội Myanmar đã giành quyền lãnh đạo đất nước từ chính phủ dân sự hồi đầu tháng 2 với cáo buộc đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi đã gian lận trong cuộc bầu cử cuối năm ngoái. Bà và nhiều lãnh đạo khác của NLD đã bị quân đội bắt giữ, không rõ tung tích.
Ít nhất 3 người biểu tình và một cảnh sát đã thiệt mạng do bạo lực trong các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự. Biểu tình đã diễn ra trong ba tuần qua và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Kể từ vụ binh biến ngày 1/2, quân đội Myanmar đã nắm quyền kiểm soát Internet và thỉnh thoảng chặn truy cập vào các mạng xã hội bao gồm Facebook, trong khi vẫn tiếp tục sử dụng nền tảng này để đưa ra các chỉ thị và tuyên bố.
Năm 2018, Facebook từng xóa tài khoản của Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing và các tướng lĩnh hàng đầu khác sau khi chịu áp lực từ Liên Hợp Quốc. Khi đó, mạng xã hội này bị cáo buộc không nỗ lực ngăn chặn việc lan truyền lời lẽ thù hằn chống lại người Rohingya theo đạo Hồi ở Myanmar.