Reuters cho biết ông Wunna Maung Lwin đã làm việc với ngoại trưởng hai nước Indonesia và Thái Lan, bà Retno Marsudi và ông Don Pramudwinai, tại căn cứ không quân Don Muang ở phía bắc thủ đô Bangkok.
Sau đó, Ngoại trưởng Wunna Maung Lwin cũng gặp không chính thức với Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha.
Hiện chưa rõ nội dung chi tiết, cũng như kết quả cuộc gặp giữa ngoại trưởng Myanmar với các quan chức Thái Lan và Indonesia.
Ông Wunna Maung Lwin là ngoại trưởng mới của chính quyền quân sự tại Myanmar sau vụ binh biến. Ảnh: Reuters. |
Trong sáng ngày 24/2, Ngoại trưởng Retno viết trên Twitter cho biết bà đã điện đàm với người đồng cấp các nước thành viên ASEAN về "những phát triển mới ở ASEAN".
Trước đó, Ngoại trưởng Retno dự định tới thủ đô Naypyitaw của Myanmar trong ngày 25/2. Tuy nhiên, kế hoạch này bị hủy bỏ.
Indonesia được cho là đang dẫn đầu nỗ lực đoàn kết các nước ASEAN để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Myanmar.
Reuters đưa tin Jakarta đã đề xuất cử quan sát viên quốc tế tới Myanmar, để bảo đảm cuộc bầu cử mà chính quyền quân sự hứa tổ chức sẽ diễn ra "công bằng và toàn diện".
Tuy nhiên, đề xuất trên vấp phải sự phản đối của phe ủng hộ dân chủ, bởi không thỏa mãn hai yêu cầu của người biểu tình. Đó là lập tức trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và công nhận kết quả bầu cử tháng 11/2020.
Một số đề xuất khác từ phía Indonesia bao gồm thúc đẩy đối thoại giữa quân đội và phe ủng hộ dân chủ, cũng như thành lập nhóm công tác của ASEAN hỗ trợ quá trình "chuyển đổi dân chủ" ở Myanmar.
Quân đội Myanmar tiến hành chính biến hôm 1/2 và bắt giữ các lãnh đạo chính quyền dân sự, trong đó có bà Aung San Suu Kyi và cựu Tổng thống Win Myint.
Quân đội tuyên bố sẽ tổ chức bầu cử sau một năm và bàn giao quyền lực. Tuy nhiên, họ chưa đưa ra thời gian biểu cụ thể cho các công tác này.