Trong cuộc gặp với các quan chức đang điều hành đất nước, thống tướng Min Aung Hlaing kêu gọi cắt giảm chi tiêu công và nhập khẩu, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu, theo Reuters.
"Cần tập trung năng lượng hồi sinh nền kinh tế ốm yếu của đất nước. Các biện pháp khôi phục nền kinh tế phải được triển khai", tướng Min Aung Hlaing nói.
Tướng Min Aung Hlaing không liên hệ trực tiếp các cuộc biểu tình với những vấn đề mà nền kinh tế Myanmar đang đối mặt.
Tuy nhiên, ông này nói nhà chức trách Myanmar đang theo đuổi một lộ trình dân chủ để giải quyết các vấn đề.
Ông cũng nhấn mạnh cảnh sát đang sử dụng vũ lực tối thiểu khi đối phó với người biểu tình.
Thống tướng Min Aung Hlaing. Ảnh: AP. |
Lời kêu gọi tập trung hồi phục kinh tế được thống tướng Min Aung Hlaing đưa ra sau cuộc tổng bãi công hôm 22/2 khiến hoạt động kinh tế trên cả nước đình trệ.
Nền kinh tế Myanmar cũng có nguy cơ tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng, trong bối cảnh các nước phương Tây cân nhắc áp dụng thêm các biện pháp trừng phạt.
Liên minh châu Âu tuyên bố đang xem xét các lệnh trừng phạt bổ sung nhắm vào những doanh nghiệp do quân đội Myanmar sở hữu.
Tuy nhiên, EU cho biết sẽ cân nhắc mức độ hành động để tránh ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân.
Mỹ cũng cảnh báo sẽ bổ sung các biện pháp trừng phạt. Trước đó, Washington đưa 2 thành viên cấp cao của quân đội Myanmar vào danh sách cấm vận.
Trong khi đó, Indonesia đang kêu gọi quân đội Myanmar nhất trí với một kế hoạch bảo đảm tổ chức tổng tuyển cử sau một năm, cho phép giám sát quốc tế, để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra công bằng và toàn diện.
Tuy nhiên, kế hoạch trên vấp phải sự phản đối của phe ủng hộ dân chủ, bởi không thỏa mãn hai yêu cầu của người biểu tình. Đó là lập tức trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi và công nhận kết quả bầu cử tháng 11/2020.