"Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận về việc áp dụng các biện pháp trừng phạt nhắm vào quân đội, lực lượng chịu trách nhiệm về cuộc chính biến, cũng như lợi ích kinh tế của họ", Cao ủy Đối ngoại EU Josep Borrell cho biết.
"Chúng tôi cũng sẽ ngưng những khoản hỗ trợ tài chính trực tiếp cho các chương trình cải cách của chính phủ Myanmar", ông Borrell nói thêm.
Cao ủy Đối ngoại EU Josep Borrell phát biểu trong họp báo sau cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao EU ngày 22/2. Ảnh: Reuters. |
Ông Borrell cũng khẳng định EU sẽ không hạn chế quan hệ thương mại với Myanmar vì điều này có thể ảnh hưởng đến người dân.
Quân đội Myanmar đã bắt giữ các lãnh đạo dân sự Myanmar, nắm quyền kiểm soát chính phủ. Họ đối mặt với những cuộc biểu tình liên tiếp của người dân trong 3 tuần qua.
Ngoài ra, các quan chức Nga có liên quan đến việc đầu độc và bắt giữ chính trị gia đối lập Alexei Navalny cũng bị trừng phạt.
Các nhà ngoại giao EU nói với AFP rằng những biện pháp trừng phạt với Nga sẽ nhắm vào 4 quan chức cấp cao được cho là chịu trách nhiệm về việc đàn áp ông Navalny.
Họ không nêu tên những cá nhân bị trừng phạt, nhưng động thái này vẻ sẽ khiến những người kêu gọi EU phản ứng cứng rắn thất vọng.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói các lệnh trừng phạt này nhằm gửi đi “tuyên bố rằng chúng tôi không chấp nhận một số điều nhất định”.
“Nhưng điều cần thiết là chúng tôi phải tiếp tục đối thoại với Nga”, ngoại trưởng Đức nói thêm.
Ông Borrell không xác nhận số người bị trừng phạt. Nhà ngoại giao này nói sẽ chính thức công bố danh sách bị trừng phạt và hy vọng các biện pháp sẽ được thực hiện trong vòng một tuần.
“Chúng tôi phải trừng phạt những người có liên quan trực tiếp đến việc bắt giữ, tuyên án, bức hại ông Navalny”, ông Borrell phát biểu.
Bộ Ngoại giao Nga đã đưa ra tuyên bố rằng quyết định của EU là “trái luật” và “đáng thất vọng”.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tham gia cuộc họp trực tuyến của EU và "hoan nghênh" quyết định này.