Nhiều cửa hàng và doanh nghiệp sẽ đóng cửa để ủng hộ cuộc biểu tình. Nhà bán lẻ lớn nhất Myanmar, City Mart, cũng thông báo sẽ đóng cửa tất cả cửa hàng của mình, Bloomberg đưa tin.
Phong trào Bất tuân Dân sự, nhóm dẫn đầu các hoạt động chống lại cuộc chính biến của quân đội Myanmar, ngày 21/2 đã kêu gọi tổng đình công. Nhóm này yêu cầu mọi người tập trung vào ngày 22/2 để thể hiện sự phản kháng.
Chính quyền quân sự đã đe dọa sử dụng vũ lực với cuộc biểu tình này, làm tăng khả năng xảy ra các cuộc đụng độ lớn.
Người biểu tình ở Yangon, Myanmar vào ngày 21/2. Ảnh: Reuters. |
Đài truyền hình thân quân đội MRTV cuối ngày 21/2 phát đi thông báo công khai từ quân đội, cảnh báo người dân không tham gia tổng đình công.
"Những người biểu tình đã kích động bạo loạn và đám đông vô tổ chức vào ngày 22/2. Những người biểu tình đang kích động người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, đi đến con đường đối đầu mà họ sẽ phải chịu thiệt hại về nhân mạng", MRTV phát đi thông báo.
Tuyên bố cũng cho rằng các băng nhóm tội phạm đã tham gia gây bạo lực tại biểu tình, kết quả là “thành viên lực lượng an ninh đã phải bắn trả".
“Chúng tôi dự đoán cuộc biểu tình ngày 22/2 sẽ có nhiều người tham gia nhất”, Aung Kyaw Kyaw Oo, nhà lập pháp tại Hạ viện đại diện cho đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi, nói. "Chúng ta cần tiếp tục chiến đấu chống lại quân đội tàn bạo".
Biểu tình trên toàn Myanmar đã nổ ra kể từ khi quân đội giành quyền kiểm soát đất nước này vào ngày 1/2. Người biểu tình đã phớt lờ lệnh cấm tụ tập ở nơi công cộng.
Một nữ sinh 20 tuổi bị bắn ở thủ đô Naypyidaw ngày 9/2 và thiệt mạng vào tuần trước là nạn nhân đầu tiên trong cuộc biểu tình. Ngày 20/2, thêm 2 người đàn ông thiệt mạng và hơn 20 người bị thương vào khi chính quyền nổ súng để giải tán người biểu tình ở Mandalay.
Người biểu tình đưa ra ba yêu cầu chính với quân đội, bao gồm trả tự do cho các nhà lãnh đạo dân sự - bao gồm cả bà Aung San Suu Kyi, công nhận kết quả bầu cử năm 2020 và rút khỏi chính trường.