Theo dữ liệu của CoinMarketCap hôm 15/10 (theo giờ Việt Nam), giá Bitcoin đã xuyên thủng ngưỡng 59.000 USD/đồng và có thời điểm chạm ngưỡng 59.924 USD/đồng. Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đang áp sát mốc quan trọng 60.000 USD/đồng.
Sau khi lao dốc mạnh hồi tháng 4, đây là lần đầu tiên Bitcoin trở lại vùng giá này. Hôm 14/4, đồng tiền đã thiết lập kỷ lục gần 65.000 USD/đồng và sụt giá kể từ đó.
Trong vòng 7 ngày qua, giá Bitcoin đã tăng vọt hơn 10%. Đà tăng đưa giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin đạt 1.123 tỷ USD. Bitcoin chiếm thị phần hơn 46% trên thị trường tiền mã hóa.
Giải thích với Zing, các chuyên gia nhận định đà tăng giá của Bitcoin được thúc đẩy mạnh mẽ bởi hàng loạt thông tin tích cực. Đồng tiền này hoàn toàn có thể thiết lập kỷ lục giá mới.
Hôm 15/10, giá Bitcoin áp sát mốc 60.000 USD/đồng. Ảnh: CoinMarketCap. |
Áp sát mốc 60.000 USD
"Thông tin cho rằng Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ sắp sửa phê duyệt một số quỹ giao dịch hoán đổi tương lai Bitcoin đã thúc đẩy giá của đồng tiền này. Nhiều nhà đầu tư tin rằng tiền mã hóa sẽ trở thành tài sản chính thống", chuyên gia tài chính Jeffrey Halley bình luận với Zing.
"Xét về khía cạnh kỹ thuật, Bitcoin sẽ vẫn còn tăng cao hơn nữa trong tuần này. Tôi tin rằng đồng tiền có thể sớm vượt ngưỡng giá 60.000 USD/đồng", ông dự báo.
"Tiền mã hóa đang ở một vị thế lành mạnh để tăng cao hơn", chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở tại London) bình luận. Theo ông, khó có thể ngăn đồng tiền này chạm ngưỡng 60.000 USD/đồng.
"Giá Bitcoin tiếp tục đà tăng khi ngày càng nhiều người chấp nhận tiền mã hóa", chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) giải thích với Zing.
"Chainalysis Global Crypto Adoption Index - chỉ số đo lường mức độ chấp nhận tiền mã hóa trên toàn cầu - đã cho thấy sự tăng trưởng trên các thị trường mới nổi. Xu hướng đó sẽ tiếp tục khi những nhà đầu tư quốc tế tranh giành 'hàng rào' lạm phát", ông Moya nói thêm.
Xét về khía cạnh kỹ thuật, Bitcoin sẽ vẫn còn tăng cao hơn nữa trong tuần này. Tôi tin rằng đồng tiền có thể sớm vượt ngưỡng giá 60.000 USD/đồng
Chuyên gia tài chính Jeffrey Halley
Động lực quan trọng của Bitcoin là những dự báo kém lạc quan về tăng trưởng kinh tế. Điều đó có thể khiến các chính phủ và ngân hàng trung ương trì hoãn việc thu hẹp quy mô gói kích thích kinh tế trong thời kỳ đại dịch.
"Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã dẫn đến tình trạng mất điện và thiếu hụt lương thực. Điều kiện kinh tế ngày càng tồi tệ sẽ buộc nhiều nhà đầu tư phải tìm đến các tài sản đề phòng rủi ro đồng tiền mất giá", ông Moya giải thích.
Viện Kinh tế Thế giới Kiel hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2021 từ 6,7% xuống 5,9%, một phần do các vấn đề về chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, ông Moya cho rằng Bitcoin sẽ vẫn được giao dịch dưới ngưỡng 60.000 USD/đồng, cho đến khi Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) đưa ra quyết định về ETF (quỹ giao dịch hoán đổi) Bitcoin trong tuần tới.
Loạt tin tích cực
SEC đã nhận khoảng 40 đơn đăng ký ETF Bitcoin và đang trong giai đoạn xem xét phê duyệt. Tại Hội nghị Tương lai Quản lý tài sản Bắc Mỹ, ông Gary Gensler - Chủ tịch SEC - cho biết các ETF Bitcoin dựa trên hợp đồng tương lai có thể ra đời.
Ông Gensler nhấn mạnh rằng đây là quan điểm cá nhân của ông chứ không đại diện cho SEC. Tuy nhiên, cơ quan này cũng quan tâm đến các công nghệ mới và tính ứng dụng thực tiễn của chúng đối với hệ thống tài chính.
Ông Gensler lần đầu thể hiện sự ủng hộ đối với các ETF Bitcoin tương lai vào tháng 8. Ông cho biết sẽ mở cửa cho những quỹ Bitcoin ra thị trường dưới một số điều kiện nhất định.
Theo ông Moya tại Oanda, các nhà đầu tư tiền mã hóa đã không quan tâm đến lời cảnh báo của ông Jon Cunliffe - Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE). Ông Cunliffe cho rằng tiền mã hóa có thể gây ra một cuộc khủng hoảng tương tự năm 2008.
"Khi một thứ gì đó trong hệ thống tài chính phát triển quá nhanh và không được kiểm soát, các cơ quan ổn định tài chính cần ngồi lại và lưu ý", ông cảnh báo.
Kể từ khi lao dốc hồi giữa tháng 4, đây là lần đầu tiên Bitcoin áp sát mốc giá 60.000 USD/đồng. Ảnh: CoinMarketCap. |
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Vladimirovich Putin cho rằng tiền mã hóa có giá trị, nhưng chúng không nên được sử dụng để giao dịch dầu.
"Hoạt động khai thác Bitcoin hiện không còn tập trung ở Trung Quốc nữa. Sự đẩy mạnh tại nhiều quốc gia khác thúc đẩy xu hướng tăng giá đối với tiền mã hóa", ông Moya bình luận.
Việc chính quyền Trung Quốc siết chặt kiểm soát đối với hoạt động khai thác và giao dịch Bitcoin đã buộc nhiều thợ đào phải đóng cửa các trung tâm khai thác và chuyển sang nước ngoài.
Chỉ số hashrate (năng lực giải thuật toán của thiết bị đào) của Trung Quốc đã giảm từ 75% năm 2019 và 44% hồi tháng 5 xuống còn 0% vào tháng 7. Mỹ vươn lên dẫn đầu với chỉ số hashrate 35,4% trong tháng 8. Theo sau là Kazakhstan và Nga.
"Phần còn lại của thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng. Không có gì ngạc nhiên khi Mỹ dễ dàng chiếm lấy vị trí đứng đầu", ông Moya nói thêm.