Giá Bitcoin tiếp tục duy trì đà tăng mạnh mẽ trong những ngày qua. Theo dữ liệu của CoinMarketCap hôm 12/10 (theo giờ Việt Nam), Bitcoin - đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới - được giao dịch ở mức 57.600 USD/đồng, tăng 1,59% so với một ngày trước đó.
Kể từ ngày 8/5, đây là lần đầu tiên Bitcoin trở lại mốc giá này. Như vậy, đồng tiền mã hóa đã ghi nhận mức cao kỷ lục trong vòng hơn 5 tháng.
Giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin đạt 1.084 tỷ USD. So với mốc hồi đầu năm, Bitcoin đã tăng giá hơn 96%. Chỉ riêng trong vòng 7 ngày qua, giá Bitcoin tăng 16,6%.
Giá Bitcoin tăng mạnh dù các đồng tiền mã hóa khác chỉ tăng giá nhẹ, thậm chí lao dốc. Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ 2 thế giới - sụt giá 0,32% so với một ngày trước đó xuống 3.500 USD/đồng. Tuy nhiên, trong vòng một tuần qua, đồng tiền vẫn ghi nhận mức tăng 3,44%.
Giá Bitcoin lần đầu áp sát ngưỡng 58.000 USD/đồng trong vòng hơn 5 tháng qua. Thị phần của Bitcoin trên thị trường tiền mã hóa đã tăng lên 46,67%. Ảnh: CoinMarketCap. |
Đà tăng mạnh mẽ
Trong khi đó, Cardano và Binance Coin - hai đồng tiền lớn thứ 3 và thứ 5 - chứng kiến giá sụt giảm lần lượt 4,27% và 5,42% so với một tuần trước đó. Nhờ vậy, thị phần của Bitcoin trên thị trường tiền mã hóa đã tăng lên 46,67%.
"Giá Bitcoin đã tiếp tục đà tăng vào đầu tuần nay, thiết lập mức cao nhất kể từ tháng 5 và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại", chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở tại London) bình luận với Zing.
"Đà tăng giá của Bitcoin có thể chậm lại một chút, nhưng nó vẫn không đủ để ngăn đồng tiền này chạm ngưỡng giá 60.000 USD/đồng", ông khẳng định. "Tiền mã hóa cũng đang ở một vị thế lành mạnh để tăng cao hơn", vị chuyên gia nói thêm.
Kể từ khi lao dốc mạnh hồi giữa tháng 5, đây là lần đầu tiên Bitcoin trở lại mức giá 57.000 USD/đồng. Ảnh: CoinMarketCap. |
Trong khi đó, chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) cho rằng Bitcoin đã bước vào "vùng quá mua". "Nhưng những người ủng hộ tiền mã hóa vẫn không ngừng đẩy giá lên cao", ông bình luận.
Theo ông, Bitcoin đang hưởng lợi từ dòng tiền ồ ạt chảy vào không gian tiền mã hóa. "Hàng tỷ USD đang được huy động cho các quỹ khác nhau, thế giới tài chính truyền thống tranh giành để nắm lấy công nghệ blockchain", ông Moya lập luận.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia tại Oanda, một động lực quan trọng khác của Bitcoin là những dự báo kém lạc quan về tăng trưởng kinh tế. Điều đó có thể khiến các chính phủ và ngân hàng trung ương trì hoãn việc thu hẹp quy mô gói kích thích kinh tế trong thời kỳ đại dịch.
Triển vọng kinh tế u ám
"Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã dẫn đến tình trạng mất điện và thiếu hụt lương thực. Điều kiện kinh tế ngày càng tồi tệ sẽ buộc nhiều nhà đầu tư phải tìm đến các tài sản đề phòng rủi ro đồng tiền mất giá", ông Moya giải thích.
Do ảnh hưởng của biến chủng Delta, nhiều quốc gia ở châu Á hiện vẫn trong tình trạng phong tỏa hoặc giãn cách xã hội để ngăn ngừa virus lây lan. Những "nút thắt cổ chai" trong chuỗi cung ứng toàn cầu được dự báo sẽ hạn chế sản lượng trong năm tới, làm tổn hại nhiều lĩnh vực và thúc đẩy giá cả leo thang.
Cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu đã dẫn đến tình trạng mất điện và thiếu hụt lương thực. Điều kiện kinh tế ngày càng tồi tệ sẽ buộc nhiều nhà đầu tư phải tìm đến các tài sản đề phòng rủi ro đồng tiền mất giá
- Chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda
Viện Kinh tế Thế giới Kiel hạ dự báo tăng trưởng của kinh tế thế giới trong năm 2021 từ 6,7% xuống 5,9%, một phần do các vấn đề về chuỗi cung ứng.
Khi triển vọng của nền kinh tế suy yếu và rủi ro lạm phát tăng cao, các nhà đầu tư có xu hướng đổ tiền vào những tài sản "trú ẩn" an toàn.
Trong khi đó, Bitcoin được coi là một dạng "vàng kỹ thuật số". Mặt khác, nếu các chính phủ và ngân hàng trung ương tiếp tục duy trì những gói kích thích kinh tế và nới lỏng tài khóa, Bitcoin và nhiều tài sản khác sẽ hưởng lợi.
Những gói kích thích kinh tế quy mô lớn của các quốc gia trên toàn cầu và điều kiện tài khóa nới lỏng đã thúc đẩy đà tăng phi mã của vàng, tiền mã hóa và thị trường chứng khoán thế giới hồi đầu đại dịch.
"Nhìn vào cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trọng của Liban, nhiều nhà đầu tư sẽ đổ tiền vào Bitcoin", ông Moya nói thêm.
Theo vị chuyên gia, Bitcoin có thể cần một chất xúc tác mới để đạt ngưỡng 60.000 USD/đồng. "Tuy nhiên, nếu đồng tiền này không tốn nhiều thời gian để cán mốc 60.000 USD/đồng, Bitcoin sẽ dễ dàng thiết lập kỷ lục mới", ông dự báo.
Đồng quan điểm, bà Katie Stockton - nhà sáng lập kiêm quản lý FairLead Strategies - cho rằng tiền mã hóa có thể sớm trở lại mức cao kỷ lục gần 65.000 USD/đồng hồi tháng 4.