Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, giá Bitcoin bắt đầu giảm mạnh về dưới 22.000 USD/đồng. Trong 24 giờ qua, vốn hóa của Bitcoin bị thu hẹp xuống còn 418 tỷ USD, khối lượng giao dịch chỉ tăng nhẹ trên 7%. Cú sụt giảm của Bitcoin cũng kéo vốn hóa toàn thị trường xuống sát mốc 1.000 tỷ USD.
Đà điều chỉnh đã xóa mọi thành quả của Bitcoin trong 7 ngày qua, thậm chí thiệt hại thêm 2%. Trong nhóm 10 đồng tiền số lớn nhất thế giới, chỉ có Ethereum và Cardano giữ được xu hướng tăng trưởng dương tính trong 7 ngày. Mặt khác, Solana là mã giảm mạnh nhất, điều chỉnh thêm 9,12%.
Bitcoin đã quay lại phạm vi giao dịch suốt một tháng qua là 19.000-22.000 USD. Bloomberg cho biết tiền mã hóa có thể trở thành danh mục đầu tư đầu tiên chịu ảnh hưởng trước đợt tăng lãi suất tiếp theo của Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (FED) vào ngày 27 tới đây.
Bitcoin trồi sụt liên tục. Ảnh: CoinMarketCap. |
Từ lâu, Bitcoin và thị trường tiền mã hóa được coi là tài sản rủi ro giống các cổ phiếu ngành công nghệ tại Mỹ. Nhiều số liệu cũng cho thấy diễn biến tương đồng giữa Bitcoin và chỉ số nghiêng về công nghệ Nasdaq 100. Do vậy, việc hàng loạt công ty công nghệ lớn ở Mỹ công bố báo cáo kinh doanh kém triển vọng cũng là yếu tố tiêu cực tác động đến diễn biến của tiền mã hóa.
Nhìn lại quá khứ, cả 2 lần tăng lãi suất gần nhất của Ngân hàng Trung ương Mỹ đều tác động xấu đến tâm lý thị trường. Trong năm nay, giá trị Bitcoin đã bốc hơi khoảng 53%.
Dù một số chuyên gia phân tích tin rằng tình trạng bán tháo tồi tệ nhất của Bitcoin đã kết thúc, không ngoại trừ khả năng đồng tiền số sẽ giảm thêm sau động thái siết chặt chính sách tiền tệ của FED.
“Nếu các nhà đầu tư có thể chấp nhận sự biến động do FED tác động trong tuần này thì việc Bitcoin vượt mốc 24.000 USD vừa qua không phải đợt tăng chớp nhoáng”, Antoni Trenchev, đồng sáng lập tại công ty cho vay tiền điện tử Nexo, nhận định.
Theo lưu ý của Trenchev và Rick Bensinor đến từ công ty Bensignor Investment Strategies, 30.000 USD sẽ là thử thách tiếp theo của Bitcoin trước khi đồng tiền gặp kháng cự kỹ thuật.