Tại sự kiện Tiêu dùng không dùng tiền mặt do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và Sở Công Thương Hà Nội tổ chức, bà Trần Thị Phương Lan - quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho biết xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang phát triển mạnh mẽ tại Hà Nội và thay đổi thói quen của sắm của người dân thủ đô sau đại dịch.
Ngoài ra, việc tạo thói quen tiêu dùng không tiền mặt khi giao dịch và mua sắm sẽ tạo động lực giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển loại hình thanh toán, phát triển thương mại điện tử (TMĐT), tạo thuận lợi cho khách hàng, đồng thời là đòn bẩy kích cầu tiêu dùng. Thanh toán không tiền mặt còn giúp Hà Nội giữ vững xếp hạng thứ 2 cả nước về chỉ số TMĐT EBI hàng năm.
Sở Công Thương Hà Nội đặt mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt trong TMĐT đạt 45%; các giao dịch mua hàng trên website, ứng dụng TMĐT có hóa đơn TMĐT đạt 65%; website TMĐT có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến đạt 75%; số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ kinh doanh trên sàn TMĐT (gồm mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch TMĐT) đạt 45%; doanh nghiệp tham gia hoạt động TMĐT trên các ứng dụng di động đạt 35%.
Theo báo cáo của Metric, quy mô của thị trường TMĐT Việt Nam ước đạt 39 tỷ USD vào năm 2025, lớn thứ hai tại Đông Nam Á. Ảnh: Chí Hùng. |
Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - cho biết thanh toán không tiền mặt vẫn tăng trưởng 2 con số dù các lĩnh vực trong nền kinh tế còn gặp khó khăn vì Covid-19. Trong 4 tháng đầu năm 2022, số lượng và giá trị thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam tăng lần lượt 69% và 27,5%.
Dẫu vậy, hình thức thanh toán mới vẫn còn nhiều dư địa phát triển, đặc biệt khi tỷ lệ người dùng sử dụng COD (phát hàng thu tiền hộ) trong TMĐT vẫn xấp xỉ 71%.
Phần lớn người dùng sử dụng hình thức chuyển khóa. Mặt khác, thói quen thanh toán qua ví điện tử hay các đơn vị trung gian thanh toán khác còn thấp và nhiều tiềm năng để phát triển.
Bà Hoàng Huyền Trâm - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội - cho biết số lượng ví điện tử đã kích hoạt đến nay vượt 39 triệu tài khoản, tăng 3,68% so với cuối năm 2021. Tổng số lượng giao dịch bằng ví điện tử được xử lý thành công đạt 583,8 triệu đơn vị, tương đương giá trị khoảng 271.360 tỷ đồng.
Hiện nay, khoảng 70% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại tổ chức tín dụng, khoảng 5,5 triệu tài khoản thanh toán và 8 triệu thẻ mở bằng hình thức định danh eKYC đang hoạt động, gần 1,77 triệu tài khoản Mobile Money được kích hoạt (67,2% được mở tại khu vực vùng sâu, vùng xa, hải đảo, nông thôn, biên giới…).
Trong khi đó, bà Phạm Thị Hương Giang - đại diện CTCP Thanh toán Quốc gia (NAPAS) - cho biết tính đến hết tháng 4/2022, giá trị giao dịch của hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã tăng 32,37%; thanh toán qua di động tăng 97,65% về số lượng giao dịch và 86,68% về giá trị; thanh toán qua mã QR tăng 56,62% về số lượng và 111,62% về giá trị giao dịch.