Nói với Zing, chuyên gia tài chính Craig Erlam (có trụ sở tại London) cho rằng vài ngày tới sẽ "rất thú vị đối với tiền mã hóa". Theo dữ liệu của CoinMarketCap hôm 28/9 (theo giờ Việt Nam), Bitcoin được giao dịch quanh mức 42.000 USD/đồng, giảm 4,2% so với một ngày trước đó.
So với ngưỡng cao trong vòng 24 giờ qua (44.000 USD/đồng), Bitcoin đã giảm giá hơn 2.000 USD/đồng. Giá trị vốn hóa thị trường của đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới cũng mất mốc 900 tỷ USD.
So với 7 ngày trước đó, giá Bitcoin đã sụt giảm 2,7%. Trong vòng 24 giờ qua, tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa lao dốc 4,75% xuống 1.870 tỷ USD.
Giá Bitcoin lao dốc hôm 28/9. So với 24 giờ trước đó, đồng tiền giảm giá hơn 2.000 USD/đồng. Ảnh: CoinMarketCap. |
Mối đe dọa từ phía Bắc Kinh
Giá Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ 2 - sụt giảm 6,56% xuống 2.891 USD/đồng. Cardano cũng chứng kiến mức giảm giá 5,51%. Đồng tiền này đã tụt trở lại vị trí thứ 4, sau một thời gian ngắn là đồng tiền mã hóa lớn thứ 3 thế giới.
"Sự sụt giảm mà chúng ta chứng kiến ở Bitcoin đã diễn ra từ trước đợt bán tháo liên quan đến China Evergrade. Đà giảm sẽ tiếp tục ngay cả khi những lo ngại liên quan đến lệnh cấm của Trung Quốc giảm bớt", chuyên gia tài chính Erlam nói với Zing.
Hôm 24/9, 10 cơ quan chính phủ Trung Quốc, bao gồm Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), tuyên bố sẽ hợp tác chặt chẽ để siết chặt các hoạt động liên quan đến tiền mã hóa.
PBoC cho biết tiền mã hóa sẽ không được lưu thông trên thị trường như tiền tệ truyền thống. Cơ quan này cũng cấm các sàn giao dịch ở nước ngoài cung cấp dịch vụ cho những nhà đầu tư ở Trung Quốc thông qua Internet.
Cơ quan quản lý Bắc Kinh cho rằng tiền mã hóa đã tạo điều kiện cho hoạt động rửa tiền, huy động vốn bất hợp pháp, lừa đảo, mô hình đa cấp và các hoạt động khác. Ảnh: Reuters. |
Bắc Kinh cũng cấm các tổ chức tài chính, công ty thanh toán và công ty Internet tạo điều kiện cho những giao dịch tiền mã hóa.
Giới chức Trung Quốc đã đưa ra những hạn chế giao dịch đối với tiền mã hóa từ 2 năm trước. Tuy nhiên, các giao dịch vẫn được thực hiện thông qua những sàn giao dịch nước ngoài.
"Các hoạt động kinh doanh liên quan đến tiền mã hóa là hoạt động tài chính bất hợp pháp. Tiền mã hóa gây nguy hiểm nghiêm trọng đến sự an toàn của tài sản người dùng", đại diện PBoC nhấn mạnh.
Hồi tháng 5, việc chính quyền Trung Quốc siết chặt kiểm soát đối với hoạt động khai thác và giao tịch tiền mã hóa đã khiến Bitcoin trượt dốc mạnh từ mức đỉnh gần 65.000 USD/đồng (thiết lập hôm 14/4).
Triệt tiêu đà tăng
Động thái mới nhất của chính quyền Bắc Kinh giáng thêm đòn, triệt tiêu đà tăng giá của Bitcoin, vốn đã chững lại vì khủng hoảng nợ của China Evergroup - tập đoàn bất động sản nợ nần nhất thế giới.
Sau nhiều năm vay nợ ồ ạt, China Evergrande hiện nợ hơn 300 tỷ USD. Giới quan sát lo ngại đây là "khoảnh khắc Lehman Brothers" của Trung Quốc, gây ảnh hưởng đến các thị trường tài chính trên toàn cầu.
Vụ đổ vỡ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers (Mỹ) do khủng hoảng nợ dưới chuẩn đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Theo chuyên gia Craig Erlam, sau khi đợt bán tháo ồ ạt liên quan đến lệnh cấm của Trung Quốc và "hố nợ" China Evergrande qua đi, giá Bitcoin đã phần nào phục hồi hôm 27/9. Giá của đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới lấy lại mốc 44.000 USD/đồng.
Nếu trượt xuống dưới ngưỡng 40.000 USD/đồng, hoặc vượt lên trên mức 45.000 USD/đồng, giá sẽ chứng kiến sự thay đổi đáng kể
- Chuyên gia tài chính Craig Erlam
Tuy nhiên, đà tăng đã mất nhiệt lượng sau một ngày. "Giá Bitcoin đang nằm trong phạm vi từ 40.000 USD/đồng đến 45.000 USD/đồng", ông Erlam nhận định.
"Nếu trượt xuống dưới ngưỡng 40.000 USD/đồng, hoặc vượt lên trên mức 45.000 USD/đồng, giá sẽ chứng kiến sự thay đổi đáng kể", ông dự báo.
Tuy nhiên, ông Erlam cảnh báo rằng nếu tiếp tục thất bại trong việc trở lại mốc 44.000 USD/đồng, giá Bitcoin có thể tụt xuống mức 40.000 USD/đồng, thậm chí giảm sâu hơn nữa.
Dù vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn đặt niềm tin vào triển vọng dài hạn của Bitcoin. Một số chuyên gia dự đoán rằng Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) sẽ bật đèn xanh cho một quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) Bitcoin trong tháng tới.
"Điều đó có thể giúp giá tăng lên mức 100.000 USD/đồng", nhà báo Billy Bambrough viết trên Forbes.
"Giá vẫn sẽ tăng và vượt ngưỡng kỷ lục được thiết lập trước đó", chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở ở Mỹ) khẳng định.
Theo ông, các nhà đầu tư tiền mã hóa lạc quan rằng những quy định mới đối với thị trường sẽ không cản trở sự đổi mới hay phá vỡ cách thị trường vận hành.
"Ngược lại, việc áp dụng các quy định sẽ giúp Bitcoin và những đồng tiền mã hóa khác tiến gần hơn với các tài sản tài chính chủ đạo", ông giải thích.