Giá Bitcoin đã chứng kiến đà phục hồi mạnh mẽ hôm 23/9 (theo giờ Việt Nam). Giá tăng từ mức thấp trong vòng 24 giờ (hơn 42.000 USD/đồng) lên vượt ngưỡng 44.000 USD/đồng, tăng 4,16% so với một ngày trước đó. Giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin đạt 825 tỷ USD.
Hôm 22/9, giá Bitcoin có thời điểm mất mốc 40.000 USD/đồng, đánh dấu mức thấp nhất trong vòng hơn một tháng qua. Theo giới chuyên gia, một phần nguyên nhân của đợt sụt giảm là ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng nợ của tập đoàn bất động sản Trung Quốc China Evergrande.
"Bitcoin phục hồi trở lại sau cuộc họp kéo dài 2 ngày của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Cơ quan này quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp gần nhất trong lịch sử", chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (có trụ sở tại Mỹ) nói với Zing.
"Điều đó có nghĩa là một lượng tiền hỗ trợ lớn sẽ tiếp tục được bơm vào nền kinh tế và đẩy giá USD xuống thấp hơn", ông Moya giải thích.
Giá Bitcoin đã chứng kiến đà phục hồi mạnh mẽ hôm 23/9. Ảnh: CoinMarketCap. |
Phục hồi mạnh mẽ
Hôm 22/9, FED quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở biên độ 0-0,25%. Đây là lần thứ 12 liên tiếp cơ quan này không điều chỉnh lãi suất.
Việc nâng lãi suất sẽ được thực hiện nhưng diễn ra rất chậm, dự kiến lên 1% vào năm 2023 và 1,8% năm 2024.
Ông Jerome Powell - Chủ tịch FED - cho biết ngân hàng trung ương Mỹ có thể bắt đầu cắt giảm quy mô chương trình mua tài sản hàng tháng ngay sau tháng 11.
Để đối phó với những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với nền kinh tế, FED tiến hành mua 120 tỷ USD trái phiếu hàng tháng. Chương trình này đã đẩy giá của các tài sản rủi ro tăng vọt, bao gồm tiền mã hóa.
Bitcoin có thể đối mặt với một số rào cản pháp lý trong ngắn hạn, bao gồm báo cáo của FED về tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương
Chuyên gia tài chính Edward Moya
Hôm 23/9, ngoài Bitcoin, các loại tiền mã hóa khác cũng đồng loạt tăng giá. Giá Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ 2 thế giới - tăng 5,51% so với một ngày trước đó lên 3.055 USD/đồng.
Trong khi đó, đồng Cardano - đồng tiền mã hóa lớn thứ 3 - chứng kiến mức tăng 4,79% lên 2,2 USD/đồng. Tổng giá trị vốn hóa của thị trường tiền mã hóa tăng gần 5% lên 1.950 tỷ USD.
Trước đó, giá Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác rớt mạnh do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng nợ của China Evergrande - tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc.
"Việc Bitcoin rơi xuống dưới ngưỡng 40.000 USD/đồng chủ yếu là do lo ngại từ ảnh hưởng của Evergrande đối với các thị trường tài chính toàn cầu", chuyên gia tài chính Edward Moya nói với Zing.
Sau nhiều năm vay nợ ồ ạt, Evergrande - tập đoàn bất động sản vay nợ nhiều nhất thế giới - hiện nợ hơn 300 tỷ USD. Giới quan sát lo ngại đây là "khoảnh khắc Lehman Brothers" của Trung Quốc, gây ảnh hưởng đến các thị trường tài chính trên toàn cầu.
Vụ đổ vỡ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers (Mỹ) do khủng hoảng nợ dưới chuẩn đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Rủi ro pháp lý
"Ngoài ra, tiền mã hóa cũng chịu sức ép sau khi Mỹ trừng phạt một sàn giao dịch tiền mã hóa phục vụ cho tội phạm mã độc tống tiền", ông Moya tại Oanda giải thích.
Cụ thể, Washington lần đầu áp đặt lệnh trừng phạt đối với sàn giao dịch SUEX dựa trên cáo buộc mối quan hệ của sàn này với những đối tượng tống tiền qua phần mềm độc hại.
"Để tăng giá mạnh mẽ, Bitcoin cần một bước đột phá của ETF (quỹ hoán đổi giao dịch) Bitcoin tại Mỹ để thúc đẩy nhà đầu tư mua vào. Điều đó có thể sẽ sớm xảy ra", ông Moya nhận định.
Theo ông, Bitcoin có thể đối mặt với một số rào cản pháp lý trong ngắn hạn, bao gồm báo cáo của FED về tiền tệ kỹ thuật số của ngân hàng trung ương. Cùng với đó sẽ là các hành động từ phía Bộ Tài chính Mỹ và Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC).
Các chuyên gia cho rằng Bitcoin có thể đối mặt với một số rào cản pháp lý trong ngắn hạn. Ảnh: Reuters. |
Hôm 14/9, ông Gary Gensler - Chủ tịch SEC - tuyên bố cơ quan quản lý hàng đầu Phố Wall đang tích cực làm việc để "tạo ra bộ quy tắc nhằm giám sát những thị trường tiền mã hóa đầy biến động", trong khi vẫn cân bằng lợi ích của các nhà đổi mới Mỹ.
Nói với Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ, ông Gensler khẳng định ông và đội ngũ của mình đang cố gắng bảo vệ các nhà đầu tư, thông qua hệ thống quy định tốt hơn đối với hàng nghìn tài sản kỹ thuật số và tiền mã hóa mới, đồng thời giám sát thị trường Bitcoin và Ether.
"Nhưng sau đó, giá vẫn sẽ tăng và vượt ngưỡng kỷ lục được thiết lập trước đó", ông Moya khẳng định. Theo ông, các nhà đầu tư tiền mã hóa lạc quan rằng những quy định mới đối với thị trường sẽ không cản trở sự đổi mới hay phá vỡ cách thị trường vận hành.
Ngược lại, việc áp dụng các quy định sẽ giúp Bitcoin và những đồng tiền mã hóa khác tiến gần hơn với các tài sản tài chính chủ đạo.