Hầu hết lính thiệt mạng trong cuộc đụng độ tồi tệ nhất giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong gần 60 năm này, do trượt chân hoặc bị đánh bật khỏi sườn núi hẹp của dãy Himalaya, rơi xuống và tử nạn, truyền thông Ấn Độ tiết lộ hôm 17/6.
Giới chức trách Ấn Độ phản ứng với sự sửng sốt và cẩn trọng về vụ đụng độ tại thung lũng Galwan ở dãy Himalaya hôm 15/6 khiến 20 binh sĩ nước này thiệt mạng. Bắc Kinh cũng đưa ra rất ít thông tin về sự việc.
Trong phản ứng công khai đầu tiên về vụ đụng độ, Thủ tướng Narendra Modi đã chủ trì hai phút mặc niệm cho những binh sĩ tử nạn và nói rằng Ấn Độ sẽ bảo vệ từng viên đá, từng tấc đất trong lãnh thổ của mình.
"Cả nước đang hướng về gia đình của những người đã hy sinh mạng sống của họ cho đất nước. Ấn Độ sẽ bảo vệ từng viên đá trên mỗi tấc đất lãnh thổ của mình", ông Modi nói.
"Tôi muốn đảm bảo với người dân cả nước rằng sự hy sinh của những binh sĩ này sẽ không vô ích. Đối với chúng tôi, sự thống nhất và chủ quyền của đất nước là quan trọng nhất", ông Modi nói.
Các binh sĩ của lực lượng An ninh Biên giới Ấn Độ đứng gác tại một trạm kiểm soát dọc theo đường cao tốc dẫn đến Ladakh ở quận Ganderbal của Kashmir ngày 17/6. Ảnh: Reuters. |
Vụ đụng độ xảy ra khi một đội tuần tra của lính Ấn Độ bất ngờ chạm trán quân đội Trung Quốc ở khu vực dốc của vùng núi. Họ nghĩ rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã rút lui theo thỏa thuận ngày 6/6, các nguồn tin ở Delhi cho biết.
Không có nổ súng trong vụ đụng độ. Hai bên đã giao tranh trực diện với đá, gậy và các vũ khí tạm khác. Sau đó, một sĩ quan chỉ huy Ấn Độ bị đẩy, rơi xuống từ sườn núi hẹp và tử nạn trong hẻm núi bên dưới, theo Guardian.
Tiếp viện từ phía Ấn Độ được điều đến từ một đồn cách đó khoảng 4 km. Khoảng 600 người đã chiến đấu với đá, gậy sắt và vũ khí tạm thời khác trong bóng tối gần sáu giờ, các nguồn tin chính phủ Ấn Độ cho biết. Hầu hết trường hợp tử vong của hai bên là những người lính bị rơi xuống dưới núi.
Người dân Ấn Độ đã trông chờ phản ứng của Thủ tướng Narendra Modi trước vụ việc này. Ông Modi đã gặp các bộ trưởng quốc phòng, ngoại giao và các chỉ huy quân sự vào cuối ngày 16/6.
“Không thể bình tĩnh nữa với vụ đụng độ ở thung lũng Galwan. Trung Quốc đã đẩy vụ việc đi quá xa”, Times of India viết trong một bài xã luận. “Ấn Độ phải phản ứng”.
“Bắc Kinh không thể sát hại lính của chúng ta ở biên giới và vẫn trông đợi vào thị trường lớn của chúng ta”, tờ này viết và ủng hộ việc trừng phạt hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau về cuộc xung đột.
Bắc Kinh đã từ chối xác nhận thương vong ở phía mình nhưng cáo buộc Ấn Độ đã vượt qua biên giới hai lần, “khiêu khích và tấn công quân nhân Trung Quốc”.
Trong khi đó, truyền thông Ấn Độ đang thắc mắc liệu có phải sự cố tình báo đã dẫn đến việc lính tuần tra Ấn Độ đụng độ lính Trung Quốc.
“Đáng lẽ phải có cảnh báo trước”, ông Shiv Aroor, biên tập viên India Today cho biết. “Đây là tình huống sinh tử và bạn phải cực kỳ chủ động”.
Cả hai bên đã cố gắng giảm căng thẳng trong những tuần gần đây nhưng thiệt hại về sinh mạng đã khiến tình hình thậm chí còn phức tạp và bấp bênh hơn.