Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Bình Dương có thể là hình mẫu phát triển cho các địa phương

Chuyên gia phân tích các bài học kinh nghiệm của Bình Dương có thể giúp các địa phương tham khảo, đi theo con đường của "thủ phủ công nghiệp" này để phát triển.

25 nam tai lap Binh Duong anh 1

Bình Dương là trường hợp thành công nhất của Việt Nam kể từ khi Đổi mới (năm 1983) đến nay, tính cả về chỉ tiêu phát triển kinh tế, tăng dân số, thu ngân sách, môi trường sống... Về sức hút và đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam, địa phương này chỉ đứng sau Hà Nội và TP.HCM.

Đó là nhận định của TS Huỳnh Thế Du (giảng viên Đại học Fulbright Việt Nam, học giả nghiên cứu tại Đại học Indiana - Mỹ) khi nói về thành quả 25 năm phát triển của Bình Dương. Vị chuyên gia kinh tế cho rằng Bình Dương có thể là một hình mẫu để các địa phương khác tham khảo. Cùng quan điểm này, một số chuyên gia phân tích rõ hơn những kinh nghiệm đằng sau thành công của Bình Dương.

Sức hút

TS Huỳnh Thế Du cho rằng về thể chế, nếu so với 62 tỉnh, thành còn lại thì Bình Dương thuộc nhóm có vị trí bất lợi nhất bởi gần như không xin được bất kỳ cơ chế gì của Trung ương. Trong khi đó, các thành phố lớn trực thuộc Trung ương có cơ chế riêng, đặc thù; các tỉnh khó khăn cũng xin được cơ chế tốt hơn Bình Dương.

"Bình Dương ở trường hợp quá thành công nên xin cái gì cũng khó. Nhưng Bình Dương lại có thể vượt trội hơn hầu hết tỉnh, thành còn lại", ông Du bình luận.

Sự vượt trội này thể hiện ở nhiều mặt, cụ thể như địa phương này đứng thứ 2 trong cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chỉ sau TP.HCM. Tỉnh hiện có 4.016 dự án đầu tư từ 65 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 37 tỷ USD.

25 nam tai lap Binh Duong anh 2

Bình Dương tạo được môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút được nhiều nguồn vốn trong và ngoài nước. Ảnh: Quỳnh Danh.

Một thành công nữa ở Bình Dương là cả doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đều thành công. Tỉnh hiện có 48.456 doanh nghiệp trong nước đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký là 434.708 tỷ đồng.

TS Huỳnh Thế Du so sánh Bình Dương giống như Singapore với các cách làm sáng tạo, phù hợp và tạo ra thể chế vượt trội để thu hút cả người dân, doanh nghiệp và các doanh nghiệp rất lớn vào tỉnh. Ví dụ, vừa rồi, Tập đoàn LEGO quyết định đầu tư dự án nhà máy một tỷ USD là chuyện "rất thường tình" tại Bình Dương.

Chìa khóa thành công của Bình Dương là nhờ sự "chung lưng đấu cật" giữa chính quyền và doanh nghiệp.

TS Huỳnh Thế Du

Chuyên gia cho rằng chìa khóa để Bình Dương làm được điều này là nhờ sự "chung lưng đấu cật" giữa chính quyền và doanh nghiệp. Ở Bình Dương có sự cùng làm, cùng giải quyết mọi vấn đề phát sinh mới giữa khu vực hành chính công và doanh nghiệp, cùng với đó là sự thông thoáng, dám nghĩ dám làm của chính quyền.

Cùng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn (Trưởng ban Pháp chế VCCI) chia sẻ một số nhà đầu tư mà ông khảo sát thời điểm đầu năm 2000 kể lại nhiều câu chuyện như Bình Dương sẵn sàng hoãn cuộc họp quan trọng của tỉnh để lãnh đạo tham gia một sự kiện động thổ nhà máy của doanh nghiệp; hay những chuyến thăm không báo trước của lãnh đạo tỉnh để tìm hiểu khó khăn thực tế của nhà đầu tư khi xây dựng nhà máy và giải quyết những khó khăn cụ thể ngay sau đó…

"Có lẽ những điều này đã tạo nên sức hút mạnh mẽ của Bình Dương về đầu tư", ông Tuấn chia sẻ. Bằng chứng là giai đoạn những năm 2000, Bình Dương liên tục đứng đầu trong bảng xếp hạng về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) Bình Dương
Nguồn: VCCI
Nhãn 2005 2006 2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018 2019 2020
Hạng
1 1 1 2 2 5 10 19 30 27 25 4 14 6 13 4
Điểm
76.82 76.23 77.2 71.76 74.01 65.72 63.99 59.64 58.15 58.82 58.59 63.57 64.47 66.09 67.38 70.16

Ông Đậu Anh Tuấn chia sẻ có lẽ việc am hiểu doanh nghiệp, nhà đầu tư cần gì để đưa ra quyết sách phù hợp cũng là một "bí quyết" của Bình Dương.

Sự năng động của bộ máy chính quyền tỉnh Bình Dương đã dẫn đến những quyết sách rất quan trọng, tạo ra bước phát triển đột phá của tỉnh. Cụ thể như việc hình thành mạng lưới các khu công nghiệp hiệu quả, đô thị mới Bình Dương với tốc độ giải phóng mặt bằng nhanh kỷ lục.

Bài học từ Bình Dương

Nói về bài học kinh nghiệm trong các chính sách công nghiệp của Bình Dương, TS Đỗ Quỳnh Chi (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quan hệ lao động) nhận định trong khi các tỉnh khác có xu hướng thu nhận lực lượng lao động tay nghề thấp - giá rẻ để làm lợi thế trong việc thu hút đầu tư, Bình Dương sớm bắt tay vào đầu tư nâng cao tay nghề của công nhân bằng cách thành lập các trường đào tạo nghề và đại học kỹ thuật.

Đặc biệt, Bình Dương đưa ra các điều kiện ưu đãi như cho phép sử dụng đất với chi phí thấp và thủ tục đăng ký nhanh gọn để khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia đào tạo nghề. Các trường đào tạo nghề cũng được đặt gần doanh nghiệp để tạo điều kiện trao đổi, hợp tác lẫn nhau.

Bình Dương tìm ra biện pháp hỗ trợ các nhóm yếu thế với cách tiếp cận bền vững.

TS Đỗ Quỳnh Chi

Bà Chi cho rằng một điểm sáng nữa của Bình Dương là khi nhận ra các vấn đề xã hội có thể trở thành rào cản cho phát triển kinh tế, Bình Dương đã tìm ra biện pháp hỗ trợ các nhóm yếu thế với cách tiếp cận bền vững.

Ví dụ, để tránh tình trạng khiếu nại, tố cáo của người dân khi bị buộc phải nhượng lại đất vì giải phóng mặt bằng, Bình Dương đưa ra 2 phương án cho người dân là chấp thuận nhận bồi thường bằng tiền mặt hoặc nhận một mảnh đất tương đương (Nhà nước đồng thời tài trợ luôn phần xây nhà) trong khu tái định cư.

Hình thức chọn lựa này tạo điều kiện cho những người bị ảnh hưởng bởi các dự án có chỗ an cư ngay sau khi họ rời khỏi mảnh đất của mình và xem như đã bù vào sự chênh lệch trong mức bồi thường do cơ quan Nhà nước ấn định và mức giá thị trường.

25 nam tai lap Binh Duong anh 3

Công nhân Bình Dương sản xuất "3 tại chỗ" trong giai đoạn bùng dịch. Ảnh: Phạm Ngôn.

Bình Dương cũng có ngân sách để đào tạo nghề miễn phí cho những nông dân và thân nhân của họ khi bị mất sinh kế và mất đất canh tác nông nghiệp. Nhờ sáng kiến ​​trên, Bình Dương đã nhanh chóng đạt được mục tiêu trong việc giải phóng mặt bằng để thành lập các khu công nghiệp, làm đường và các cơ sở hạ tầng cần thiết khác phục vụ phát triển công nghiệp.

"Khi những người mất đất được cung cấp chỗ ở thay thế và đào tạo nghề miễn phí, các chương trình giải phóng mặt bằng được thực hiện nhanh chóng và suôn sẻ", bà Chi nhận định.

Để cải thiện cơ sở hạ tầng trong bối cảnh ngân sách có hạn, Bình Dương đã huy động đầu tư của tư nhân để nhanh chóng phát triển hệ thống đường bộ và khu công nghiệp tiên tiến. Mô hình hợp tác công - tư trong xây dựng cầu đường tại tỉnh này đã được nhân rộng ra toàn quốc.

Văn hóa đối thoại là một điểm nổi bật khác của Bình Dương. Đây là tỉnh đầu tiên tổ chức đối thoại thường xuyên với cộng đồng doanh nghiệp và người lao động. Những cuộc đối thoại này không chỉ giúp các cơ quan, ban, ngành, có thể nhanh chóng nhận được phản hồi về chính sách của tỉnh, mà còn cải thiện niềm tin của các nhà đầu tư và người lao động vào chính quyền địa phương.

Bình Dương có khả năng đóng góp nhiều hơn

Dù đánh giá Bình Dương là tỉnh thành công nhất Việt Nam, TS Huỳnh Thế Du thẳng thắn nhìn nhận kết quả này chỉ bằng "một nửa Singapore" - cả về dân số, và xu hướng thành công (cho dù các chỉ tiêu kinh tế vẫn còn khoảng cách rất xa). Trong khi đó, Trung Quốc đã xây dựng được hàng chục mô hình như Singapore, mặc dù 40 năm trước xuất phát điểm của Việt Nam và Trung Quốc không khác nhau nhiều.

"Đây là vấn đề quốc gia chứ không còn là của riêng Bình Dương nữa. Để trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 thì Việt Nam cần vài chục địa phương thành công như Bình Dương", TS Huỳnh Thế Du nói.

Ông cho rằng Bình Dương có thể là hình mẫu cho các tỉnh, thành, đặc biệt là địa phương nằm ngoài nhóm thành phố trực thuộc Trung ương. "Điều Bình Dương làm được là nhờ cách họ làm chứ không phải điều họ được cho, nghĩa là vấn đề ở tư duy", ông Du nói.

25 nam tai lap Binh Duong anh 4

Chuyên gia cho rằng Bình Dương cần có cơ chế tốt hơn để tiếp tục phát triển trong giai đoạn tới. Ảnh: Phạm Ngôn.

Nhìn về tương lai của Bình Dương, TS Huỳnh Thế Du cho rằng địa phương này đang "đứng trước ngã 3 đường".

"Chiếc áo 'cơ chế' hiện tại trở nên quá chật với Bình Dương. Tỉnh có khả năng rơi vào lụi tàn hậu công nghiệp hóa, nghĩa là không bước lên được nấc thang giá trị gia tăng cao hơn", TS Huỳnh Thế Du cảnh báo.

Chuyên gia kinh tế nhìn nhận nếu không có "áo thể chế mới", không chỉ Bình Dương mà cả các địa phương có những thành công thời gian qua... có thể rơi vào "vòng xoáy" đi xuống và khả năng Việt Nam mắc kẹt ở bẫy thu nhập trung bình là rất cao.

"Trung ương nên cho cơ chế chứ không phải cho tiền. Tôi tin là nếu có cơ chế phù hợp, Bình Dương có khả năng đóng góp nhiều hơn bây giờ", TS Huỳnh Thế Du nêu quan điểm.

Bình Dương lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh là một trong 21 đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới, do ICF (Diễn đàn Cộng đồng Thông minh Thế giới) bình chọn.

Với mục tiêu trở thành đô thị loại I, Bình Dương tiếp tục tập trung nguồn lực từ các thành phần kinh tế, đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng bảo đảm chất lượng và đồng bộ, gắn với chỉnh trang, nâng cấp đô thị theo lộ trình.

Hành trình 25 năm bứt phá của 'thủ phủ công nghiệp' Bình Dương

Với xuất phát điểm gần như không có gì, sau 25 năm tái lập tỉnh, Bình Dương trở thành "thủ phủ công nghiệp", thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước.

Diện mạo Bình Dương sau 25 năm tái lập tỉnh

Sau 25 năm tái lập tỉnh, Bình Dương tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng đô thị song song đẩy mạnh phát triển công nghiệp, phấn đấu trở thành đô thị thông minh cấp vùng.

Bình Dương nỗ lực xây dựng thành phố thông minh

“Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030” của Bình Dương là động lực để tỉnh phục hồi sau làn sóng Covid-19.

Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm