Bình Dương là tỉnh công nghiệp phát triển khá nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, tiếp giáp TP.HCM. Giai đoạn 2015-2020, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh vượt 155 triệu đồng/năm, trở thành một trong những tỉnh có thu nhập cao trong cả nước. Trong chiến lược phát triển, Bình Dương chú trọng xây dựng chuỗi liên hợp phát triển công nghiệp kết hợp dịch vụ, đồng thời đẩy nhanh phát triển hạ tầng đô thị. |
Bình Dương tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển thêm các khu, cụm công nghiệp. Đến nay tỉnh có 29 khu công nghiệp, trong đó có 27 khu đi vào hoạt động với diện tích 12.670 ha và 12 cụm công nghiệp với diện tích 789,91 ha, được Chính phủ xác định là một trong những địa phương hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Trong hình là Khu công nghiệp VSIP 1, quy mô gần 473 ha tại TP Thuận An. Đây là khu công nghiệp liên doanh với Singapore, ngành nghề chính gồm cơ khí, điện tử, dược phẩm. |
Để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, Bình Dương chú trọng khai thác hiệu quả các hoạt động logistics. Trong hình là tân cảng Sóng Thần ở TP Thuận An, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa, vận chuyển nguyên vật liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất công nghiệp của tỉnh. |
Cùng với phát triển công nghiệp, Bình Dương đẩy mạnh cơ sở hạ tầng thương mại. Hiện nay, nhiều trung tâm thương mại, siêu thị hiện đại được đầu tư xây dựng như Aeon Mall, Lotte Mart, Becamex, Big C, Co.opmart… tạo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. |
Đến hết tháng 10/2021, Bình Dương thu hút hơn 4.000 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký gần 37 tỷ USD, tăng gấp 30 lần so năm 1997. Tỉnh hiện có 48.456 doanh nghiệp trong nước đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký 434.708 tỷ đồng, tăng hơn 40 lần về số doanh nghiệp và hơn 90 lần về vốn so với năm 1997. Trong hình là dự án Trung tâm Thương mại và căn hộ cao cấp Bình Dương đang được triển khai tại TP Thuận An. |
Nhiều năm gần đây, Bình Dương đầu tư, nâng cấp nhiều tuyến đường quan trọng như cải tạo quốc lộ 13, xây dựng và chỉnh trang hạ tầng đường Mỹ Phước - Tân Vạn; nâng cấp đường ĐT.743 đoạn từ Miếu Ông Cù đến cầu vượt Sóng Thần và nhánh rẽ cầu vượt Sóng Thần… Trong ảnh là quốc lộ 13 (đại lộ Bình Dương) đoạn qua TP Thủ Dầu Một. |
Hạ tầng giao thông tuyến đường huyết mạch Mỹ Phước - Tân Vạn tiếp tục được chỉnh trang và hoàn thiện thời gian tới. |
Thành phố mới Bình Dương là một trong những công trình quan trọng, làm thay đổi bộ mặt của tỉnh. Khu vực này được quy hoạch xây dựng với quy mô 1.000 ha, nằm trong khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ và đô thị 4.196 ha. Nơi đây được xác định là trung tâm của Bình Dương tương lai. |
Trung tâm TP Thủ Dầu Một. |
Bình Dương là một trong những tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa cao. Đến năm 2020, tỷ lệ đô thị hóa đạt 82%. |
Trung tâm Văn hóa thành phố mới Bình Dương, nơi diễn ra các hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao quy mô lớn của tỉnh. |
Cơ sở vật chất trường lớp được mở rộng, chỉnh trang thường xuyên hàng năm, đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh. Hiện Bình Dương có 8 trường đại học, 7 trường cao đẳng, 16 trường trung cấp và 45 trung tâm và cơ sở dạy nghề, với khả năng đào tạo từ 80.000 đến 85.000 học viên mỗi năm. Trong ảnh là Đại học Quốc tế Miền Đông tại thành phố mới Bình Dương. |
Những công trình phục vụ vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao... được tỉnh chú trọng đầu tư nhiều năm. Hiện nay, Bình Dương có khoảng 121 hoa viên, công viên phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao của người dân. |
Thời gian tới, Bình Dương tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, làm tiền đề thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh, thực hiện mục tiêu “xây dựng Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước”. |
Bình Dương lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh là một trong 21 đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới, do ICF (Diễn đàn Cộng đồng Thông minh Thế giới) bình chọn.
Với mục tiêu trở thành đô thị loại I, thời gian tới Bình Dương tiếp tục tập trung nguồn lực từ các thành phần kinh tế, đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng bảo đảm chất lượng và đồng bộ, gắn với chỉnh trang, nâng cấp đô thị theo lộ trình.