Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Hành trình 25 năm bứt phá của 'thủ phủ công nghiệp' Bình Dương

Với xuất phát điểm gần như không có gì, sau 25 năm tái lập tỉnh, Bình Dương trở thành "thủ phủ công nghiệp", thu nhập bình quân đầu người cao nhất nước.

25 nam tai lap Binh Duong anh 1

"25 năm qua là một hành trình rất đáng ngưỡng mộ của Bình Dương. Sự ngưỡng mộ đối với Bình Dương càng lớn khi so với các trung tâm kinh tế khác trong vùng như TP.HCM, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… thì xuất phát điểm của Bình Dương khiêm tốn hơn nhiều", thạc sĩ Đậu Anh Tuấn (Trưởng ban Pháp chế VCCI) chia sẻ.

25 năm qua, dân số Bình Dương tăng lên 4 lần, từ 679.000 lên 2,6 triệu người. Chỉ riêng sự gia tăng dân số cơ học cũng đủ cho thấy sức hút của Bình Dương, chưa kể đến những chỉ số kinh tế tăng lên hàng chục lần so với năm 1997 - thời điểm tái lập tỉnh.

Sau 25 năm tách khỏi tỉnh Sông Bé, từ xuất phát điểm là một địa phương nông nghiệp không có gì, Bình Dương trở thành một trong những trung tâm kinh tế lớn hàng đầu và là điểm sáng trong thu hút đầu tư của cả nước.

25 năm, 10 lần chia tách

Nhìn lại hơn 2 thập kỷ qua, Bình Dương luôn là một địa phương liên tục thay đổi. Sau 10 lần điều chỉnh địa giới hành chính, tỉnh mới chính thức ổn định vào năm 2020 với 3 thành phố, 2 thị xã và 4 huyện - là tỉnh có nhiều thành phố trực thuộc thứ 2 Việt Nam, chỉ sau Quảng Ninh (4 thành phố trực thuộc).

STT

Thời gian

Điều chỉnh địa giới hành chính

1

1/1/1997

Tách khỏi tỉnh Sông Bé, lập 4 đơn vị hành chính cấp huyện: Thị xã Thủ Dầu Một, huyện Tân Uyên, Bến Cát, Thuận An.

2

8/1999

Lập thêm 3 huyện: Dĩ An, Dầu Tiếng, Phú Giáo.

Lập xã Định Thành (huyện Dầu Tiếng); xã Bình An (huyện Dĩ An).

3

10/12/2003

Lập phường Phú Lợi, xã Hiệp An (TX Thủ Dầu Một); xã Tam Lập (huyện Phú Giáo).

4

17/11/2004

Lập, điều chỉnh 7 xã thuộc các huyện Tân Uyên, Dầu Tiếng, Phú Giáo.

5

9/6/2008

Lập phường Hiệp An, phường Định Hòa, phường Phú Mỹ (TX Thủ Dầu Một).

6

11/8/2009

Lập phường Hòa Phú, phường Phú Tân (TX Thủ Dầu Một); thị trấn Thái Hòa (huyện Tân Uyên).

7

13/01/2011

Lập TX Dĩ An, TX Thuận An.

8

2/5/2012

Lập TP Thủ Dầu Một.

9

29/12/2013

Lập TX Bến Cát, huyện Bàu Bàng; TX Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên; 5 phường thuộc TX Thuận An và TP Thủ Dầu Một.

10

10/01/2020

Lập TP Dĩ An và TP Thuận An.

Năm 1997, tỷ lệ đô thị hóa của Bình Dương chỉ khoảng 18% nhưng đến 2010, gần 70% dân số Bình Dương sống trong môi trường đô thị. 10 năm sau, tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 82%, thuộc nhóm có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất cả nước.

Từ 77 xã, phường, thị trấn khi mới thành lập (1997), Bình Dương hiện có 91 đơn vị hành chính cấp xã với dân số tăng gấp 4 lần trước đây - khoảng 2,6 triệu người, trong đó hơn 50% là dân nhập cư.

Tỉnh hiện có tổng cộng 10 đô thị phân bố thành các tiểu vùng ở phía nam, phía bắc và trung tâm. Trong đó, một đô thị loại I (TP Thủ Dầu Một), 4 đô thị loại III (TP Thuận An, TP Dĩ An, TX Bến Cát, TX Tân Uyên) và 5 đô thị loại V (thị trấn Dầu Tiếng, thị trấn Phước Vĩnh, thị trấn Tân Thành, thị trấn Lai Uyên, thị trấn Tân Bình).

Đây là điều kiện thuận lợi để Bình Dương phát triển theo hướng đô thị vệ tinh, sớm đạt mục tiêu trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương.

Là một tỉnh nằm sâu trong đất liền, không có cảng biển hay sân bay, nhưng Bình Dương đã quy hoạch hệ thống giao thông, cơ sở hạ tầng một cách hài hòa, trong nguồn lực có thể nhằm kết nối giữa các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Từ năm 2000, quốc lộ 13 đoạn từ ngã tư Bình Dương đến TX Bến Cát được mở rộng lên 6 làn xe và được gọi là đại lộ Bình Dương. Đại lộ này chạy qua TP Thủ Dầu Một, các khu công nghiệp lớn như VSIP, Mỹ Phước... kết nối với quốc lộ 1, trở thành tuyến huyết mạch dẫn đến cảng biển, sân bay trong khu vực và TP.HCM. Từ đó, các đoạn đường cao tốc, tỉnh lộ 4-6 làn xe dần được hình thành, tạo động lực cho ngành công nghiệp của tỉnh có sức bật xa.

Từ làng gốm sứ đến "thủ phủ công nghiệp"

Ông Đậu Anh Tuấn kể từ đầu những năm 2000, ông có dịp cùng đoàn công tác do Ban Nghiên cứu của Thủ tướng dẫn đầu, đến tìm hiểu mô hình của Bình Dương.

Từ xuất phát điểm gần như không có gì đã tạo ra động lực, khát vọng mạnh mẽ cho địa phương thu hút bằng được các dự án đầu tư.

Thạc sĩ Đậu Anh Tuấn

"Tôi rất ấn tượng với tinh thần năng động của Bình Dương, sự thân thiện của môi trường đầu tư ở địa phương. Có lẽ, giai đoạn sau tách tỉnh, xuất phát điểm gần như 'không có gì' - như lãnh đạo tỉnh thời đó chia sẻ - đã tạo ra một động lực, một khát vọng mạnh mẽ cho địa phương trong việc thu hút bằng được các dự án đầu tư nhằm có thêm việc làm, nguồn ngân sách để phát triển tỉnh", vị chuyên gia hồi tưởng.

Nhiều lãnh đạo Bình Dương thời điểm đó bày tỏ sự trăn trở khi tỉnh gần như không có lợi thế gì so với các địa phương khác, chỉ có khát vọng. Ông Tuấn nhận định chính sự khát vọng, động lực thay đổi mạnh mẽ này là “vốn quý” mà ít địa phương nào có được. Trong bối cảnh nhiều địa phương chỉ tập trung vào nguồn lực từ ngân sách và đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước, Bình Dương lại tập trung mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng chính sự khát vọng phát triển này đã truyền sang cho bộ máy hành chính các cấp bên dưới và tạo lập được một môi trường kinh doanh tốt, thân thiện với nhà đầu tư và hệ thống thủ tục hành chính chuyên nghiệp.

Thành quả của khát vọng này thể hiện ở tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh chóng, đặc biệt là giá trị sản xuất công nghiệp liên tục tịnh tiến qua hàng năm.

Sự thay đổi trong cơ cấu GRDP tại Bình Dương từ 1997 tới nay
Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Dương
Nhãn Công nghiệp Dịch vụ Nông nghiệp Thuế nhập khẩu
1997-2000 % 58.1 25.2 16.7 0
2020
66.94 21.98 3.15 7.93

Khi vẫn còn là một phần của tỉnh Sông Bé, Bình Dương là vùng nông nghiệp nghèo. Sản xuất công nghiệp chỉ có gốm và sơn mài do lợi thế từ tài nguyên khoáng sản chủ yếu là đất sét và cao lanh, chiếm 13% tổng GDP của tỉnh. Nơi đây khi đó chỉ được biết đến như "cái nôi" của làng nghề thủ công mỹ nghệ ở Nam Bộ.

Năm 1995, chính sách công nghiệp của Bình Dương mới có bước đột phá khi Khu công nghiệp Sóng Thần được thành lập.

Kể từ đó, phát triển công nghiệp là mũi đột phá được Bình Dương kiên trì theo đuổi xuyên suốt các thời kỳ. Trong đó, tỉnh chủ trương ưu tiên phát triển khu công nghiệp tập trung, tạo môi trường thông thoáng thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để thúc đẩy việc xây dựng và phát triển có chiều sâu, tạo đà cho sự ổn định và bền vững của kinh tế địa phương.

25 nam tai lap Binh Duong anh 2

Bình Dương thuộc nhóm địa phương có tốc độ đô thị hóa nhanh nhất cả nước. Ảnh: Phạm Ngôn.

Từ 7 khu công nghiệp với diện tích 1.603 ha vào năm 1997, đến nay, tỉnh có 29 khu công nghiệp, trong đó có 27 khu đi vào hoạt động với diện tích 12.670 ha (diện tích cho thuê trên đạt 87,4%) và 12 cụm công nghiệp với diện tích 789,91 ha (diện tích cho thuê đạt khoảng 67,4%).

Để tiếp tục phát huy lợi thế, tạo lực đẩy cho sự phát triển của vùng, Bình Dương quyết định đầu tư xây dựng Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị Bình Dương, trong đó nền tảng là phát triển các khu công nghiệp, khu dân cư và các dịch vụ cao cấp với tổng diện tích 4.196 ha (tổng vốn ước tính 3.000 tỷ đồng).

25 năm trải chiếu hoa mời nhà đầu tư

"Trải chiếu hoa mời nhà đầu tư" là chủ trương xuyên suốt được Bình Dương theo đuổi 25 năm qua.

Bình Dương hiện là địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chỉ sau TP.HCM. Tỉnh hiện có tổng số 4.016 dự án đầu tư từ 65 quốc gia, vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 37 tỷ USD, theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh. So với năm 1997, số dự án và số vốn tăng gấp 30 lần.

Tỉnh luôn quan tâm hỗ trợ cho sự phát triển doanh nghiệp đầu tư thông qua cải thiện môi trường đầu tư.

Chủ tịch UBND Bình Dương Võ Văn Minh

Tỉnh hiện có 48.456 doanh nghiệp trong nước đăng ký kinh doanh với số vốn đăng ký là 434.708 tỷ đồng, tăng hơn 40 lần về số doanh nghiệp và hơn 90 lần về vốn so với năm 1997.

Chủ tịch Bình Dương Võ Văn Minh chia sẻ những năm qua tỉnh luôn quan tâm hỗ trợ cho sự phát triển doanh nghiệp đầu tư thông qua cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng khoa học công nghệ vào đơn giản hóa thủ tục hành chính, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cung ứng nguồn lao động cho doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn tỉnh...

Nhờ đó, Bình Dương luôn được đánh giá là một trong những tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

25 nam tai lap Binh Duong anh 3

Bình Dương hiện được mệnh danh là "thủ phủ công nghiệp" của Việt Nam. Ảnh: Phạm Ngôn.

Nhờ thu hút nhà đầu tư phát triển kinh tế, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh tăng nhanh qua từng năm và là một trong những địa phương có mức thu ngân sách nằm trong "câu lạc bộ 1.000 tỷ đồng" của cả nước. Năm 2020, tổng thu ngân sách của tỉnh đạt 59.700 tỷ đồng, gấp 73 lần so với năm 1997 (817 tỷ đồng).

Năm 2020, Bình Dương chính thức trở thành địa phương có thu nhập bình quân trên đầu người cao nhất cả nước - 7,019 triệu đồng/tháng. Đây cũng là tỉnh đầu tiên không còn hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn quốc gia từ năm 2017.

Sau 25 năm hình thành và phát triển, đời sống người dân được nâng cao là thành quả rõ nét nhất của Bình Dương, nơi vẫn đang thu hút hàng triệu người lao động đến làm việc, tạo nên một "thủ phủ công nghiệp" sôi động nhất cả nước.

Những con số ấn tượng

- GRDP bình quân đầu người năm 2020 của Bình Dương đạt 155,7 triệu đồng, tăng hơn 26 lần so với năm 1997 (5,8 triệu đồng).

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2020 đạt 252.889 tỷ đồng, tăng trên 83,1 lần so với năm 1997 (3.042 tỷ đồng).

- Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt hơn 27,4 tỷ USD, gấp 75,5 lần so với năm 1997 (363,2 triệu USD).

- Kim ngạch nhập khẩu năm 2020 ước đạt 21,4 tỷ USD, tăng gấp 70 lần so với năm 1997 (305,4 triệu USD).

- Nhiều năm liền Bình Dương là một trong 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ xuất siêu lớn nhất cả nước, khoảng 6 tỷ USD/năm.

- Năm 2020, tổng thu ngân sách của tỉnh đạt 59.700 tỷ đồng, gấp 73 lần so với năm 1997 (817 tỷ đồng).

- Bình Dương lần thứ 3 liên tiếp được vinh danh là một trong 21 đô thị có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của thế giới, do ICF (Diễn đàn Cộng đồng Thông minh Thế giới) bình chọn.

Diện mạo Bình Dương sau 25 năm tái lập tỉnh

Sau 25 năm tái lập tỉnh, Bình Dương tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng hạ tầng đô thị song song đẩy mạnh phát triển công nghiệp, phấn đấu trở thành đô thị thông minh cấp vùng.

Bình Dương nỗ lực xây dựng thành phố thông minh

“Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030” của Bình Dương là động lực để tỉnh phục hồi sau làn sóng Covid-19.

Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm